Chỉ vài ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông và khẳng định việc Bắc Kinh ngăn chặn quyền đánh bắt của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough là sai trái, không quân Trung Quốc đã công bố ảnh máy bay ném bom H-6K của họ bay ngang qua bãi cạn này.
Phô trương sức mạnh
Bức ảnh được đưa lên tài khoản Weibo của không quân nước này ngày 15.7, sau đó được báo chí Trung Quốc đồng loạt đăng lại. Đến hôm qua, phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Kiến Khoa xác nhận lực lượng này vừa tiến hành “cuộc tuần tra tác chiến” ở Biển Đông. Trong đó, không quân Trung Quốc đã điều đội máy bay ném bom chiến lược H-6K, chiến đấu cơ, máy bay do thám và máy bay tiếp liệu đến bãi cạn Scarborough và khu vực lân cận, theo Tân Văn xã. Ông Thân còn tuyên bố không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tuần tra như trên ở Biển Đông.
Không quân Trung Quốc không nói rõ thời điểm bức ảnh được chụp, nhưng trang tin quân sự Guancha khẳng định đây là lần đầu tiên H-6K tuần tra trên Scarborough, đồng thời suy đoán chiếc oanh tạc cơ này thuộc đơn vị không quân của Chiến khu miền nam. Điều đáng lưu ý là Guancha đưa ra lời bình luận sặc mùi hiếu chiến khi viết: “Nếu mang theo tên lửa hành trình AKD-20, oanh tạc cơ H-6K chỉ cần tuần tra trên Hoàng Nham đảo (cách Trung Quốc gọi Scarborough - NV) thì có thể triển khai tấn công mọi mục tiêu trong toàn bộ lãnh thổ Philippines và Việt Nam”.
|
Dấu hiệu đe dọa
Tạp chí Forbes dẫn lời giới quan sát cho rằng việc tung ảnh H-6K bay ngang qua Scaborough cho thấy Bắc Kinh muốn gửi thông điệp tới Philippines và Mỹ rằng họ nghiêm túc đối với tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó, cựu giám đốc phụ trách các chiến dịch thông tin và tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ James Fanell nhận định động thái trên cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện lập trường không chấp nhận phán quyết của PCA. Ông còn cảnh báo việc H-6K bay gần Scarborough “nên được xem là một dấu hiệu nhắc nhở khác về mối đe dọa quân sự đối với Hạm đội 7 của Mỹ và các tài sản hải quân của các đồng minh trong khu vực”.
Theo Forbes, Mỹ nên phản ứng vụ H-6K tuần tra Scarborough bằng cách tiến hành và công khai các chuyến bay của những oanh tạc cơ chiến lược trên Biển Đông trong tương lai. Nếu không công khai phản ứng, các nhà hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc có thể cho rằng Washington xem nhẹ vấn đề này và bật đèn xanh cho việc xây dựng đường băng quân sự ở bãi cạn tranh chấp.
Liên quan đến diễn biến ở Biển Đông, Cục Hải sự Trung Quốc hôm qua thông báo quân đội nước này sẽ tập trận tại vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam từ ngày 19 - 21.7, nhưng không cung cấp chi tiết. Cuộc tập trận được thông báo giữa lúc Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson đang ở thăm Trung Quốc và hội đàm với Tư lệnh hải quân nước chủ nhà Ngô Thắng Lợi.
Theo Reuters, tại cuộc gặp hôm qua, ông Ngô phát biểu rằng chuyến thăm của chỉ huy hải quân Mỹ vào lúc này cho thấy “hai bên quan ngại sâu sắc về an ninh biển”. Tuy nhiên, tư lệnh hải quân Trung Quốc ngang ngạnh tuyên bố Bắc Kinh sẽ không dừng các hoạt động xây dựng tại các bãi đá mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.
Cũng trong hôm qua, Reuters đưa tin Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc vừa lên giọng cảnh báo những cuộc tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải của các hải quân nước ngoài ở Biển Đông sẽ kết thúc “trong thảm họa”.
Bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Ngày 18.7, TTXVN tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14.7 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ). Sau cuộc gặp trên, nhiều cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trong đó có Hãng thông tấn Tân Hoa xã, trang mạng chinadaily.com.cn (phiên bản đối ngoại tiếng Anh của tờ Trung Quốc nhật báo) và tờ Nhân Dân nhật báo tiếng Trung Quốc, đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp nói rằng: “VN tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông”, đồng thời cho biết: “VN sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - Trung Quốc” do hai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10.2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của VN đối với phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Trước đó, ngày 12.7.2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình đã nêu rõ: “VN hoan nghênh việc tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12.7.2016... VN một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong tuyên bố ngày 5.12.2014 của Bộ Ngoại giao VN gửi tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, VN ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, VN tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của VN liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Theo TTXVN
|
Bình luận (0)