Sử dụng đất không đúng mục đích
15 năm trước (2007), Hội Sinh vật cảnh (HSVC) tỉnh Lâm Đồng (UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập năm 2002) được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác khu vực ốc đảo ở thắng cảnh hồ Xuân Hương. Trong đó, đồng ý cho UBND TP.Đà Lạt giao cho HSVC quản lý, khai thác khu vực ốc đảo hồ Xuân Hương gồm cả vườn Bích Câu cũ, theo hình thức giao mặt bằng trong 10 năm để hội này đầu tư xây dựng vườn hoa, trồng cây xanh tạo thành công viên mở kết hợp trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm sinh vật cảnh, trưng bày nghệ thuật.
Tháng 8.2017, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản để HSVC tỉnh tiếp tục quản lý có thời hạn Vườn hoa Bích Câu (không quá 5 năm) với điều kiện HSVC phải lập thủ tục thuê đất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Đến tháng 9.2019, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có văn bản đề nghị HSVC tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất tại ốc đảo Bích Câu theo đúng quy định, bàn giao lại cho UBND TP.Đà Lạt quản lý sau khi hết thời hạn tạm giao (hết ngày 9.8.2022). Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính có liên quan đến việc sử dụng đất này.
Ốc đảo Bích Câu nằm trên thắng cảnh hồ Xuân Hương |
Gia Bình |
Mọi việc tưởng chừng như không có gì bất thường, thế nhưng mới đây, Sở TN-MT Lâm Đồng có Báo cáo số 398 đề xuất UBND tỉnh thu hồi diện tích đã tạm giao ở ốc đảo Bích Câu khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi có vấn đề “khó hiểu”. Trong báo cáo của sở này nêu: diện tích đất tạm giao cho HSVC tại ốc đảo Bích Câu thuộc quy hoạch là đất công viên cảnh quan, đất công viên cây xanh (theo Quyết định 1409 ngày 27.6.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP.Đà Lạt).
Thế nhưng, trên thực tế, HSVC tỉnh Lâm Đồng sử dụng đất chưa phù hợp bởi đang có hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát. Đồng thời, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định thuê đất và hiện giao UBND TP.Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai và tổ chức thực hiện nghĩa vụ tài chính như các trường hợp cho thuê hoa lợi công sản khác theo giá thị trường. “Như vậy, đến nay HSVC tỉnh Lâm Đồng vẫn đang tiếp tục sử dụng diện tích đất tại ốc đảo Bích Câu và có hoạt động kinh doanh trên đất, chưa lập thủ tục thuê đất. Thời hạn sử dụng đến ngày 10.8.2022”, báo cáo của Sở TN-MT viết.
Không chỉ vậy, theo quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 704) thì diện tích đất tạm giao cho HSVC tỉnh Lâm Đồng tại ốc đảo Bích Câu thuộc quy hoạch là đất công viên cảnh quan, đất công viên cây xanh.
Do đó, Sở TN-MT Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh thu hồi diện tích đã tạm giao cho HSVC và bàn giao về cho UBND TP.Đà Lạt quản lý bố trí sử dụng hoặc đề xuất bố trí sử dụng quỹ đất hiệu quả, đúng quy định.
Khách uống cà phê tại Bích Câu khá đông |
Tiếp tục xin gia hạn thuê mặt bằng
Theo tìm hiểu của PV, với vị trí quá đẹp trên thắng cảnh hồ Xuân Hương và nằm ngay trước cổng Vườn hoa TP, nhiều năm qua (trừ 2 năm có dịch Covid-19), quán cà phê, ăn uống ở ốc đảo Bích Câu luôn thu hút rất đông người dân và du khách. Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn An Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Vườn cảnh Bích Câu (đơn vị đang khai thác cà phê, ăn uống), khẳng định: “Chúng tôi có giấy phép kinh doanh và đã đóng tiền thuê đất và các loại thuế, phí đầy đủ nên nói chúng tôi hoạt động sai là không đúng”.
Bà Xuân cho biết HSVC được giao quản lý, sử dụng và có nội dung cho bán cà phê theo Thông báo số 173 ngày 23.12.2010 của UBND tỉnh. Ban đầu Hội có 36 thành viên tham gia, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện góp tiền để đầu tư công viên, cảnh quan nhiều tiền nên một số người xin rút lui. Còn lại 6 thành viên góp vốn, trong đó có 1 thành viên HSVC; nhóm này đã thành lập Công ty TNHH Vườn cảnh Bích Câu để kinh doanh cà phê, ăn uống và HSVC góp mặt bằng.
“Đây vẫn là công viên mở, người dân và du khách vẫn có thể tự do vào tham quan, dạo chơi, chụp ảnh bình thường, chỉ khi nào sử dụng dịch vụ thì chúng tôi mới thu tiền. Đến nay, HSCV đã đóng tiền thuê mặt bằng ốc đảo Bích Câu trong 5 năm (từ 2017 - 2022) tổng cộng hơn 2,8 tỉ đồng (mỗi năm gần 575 triệu đồng) cho UBND P.1, TP.Đà Lạt. Trước khi hết thời hạn, HSVC đã gửi văn bản đến UBND TP đề nghị được gia hạn thời gian thuê và hiện đang chờ phản hồi”, bà Xuân nói.
Bà Hoàng Nhật Lệ, Chủ tịch UBND P.1, xác nhận: “Theo chỉ đạo của UBND TP.Đà Lạt và ủy quyền của Phòng Tài chính TP, phường đã ký hợp đồng cho HSVC tỉnh Lâm Đồng thuê mặt bằng ốc đảo Bích Câu trong 5 năm (từ ngày 10.8.2017 - 9.8.2022). Đến nay, HSVC đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo quy định, còn các vấn đề khác phường thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý”.
Về vụ việc này, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch HSVC tỉnh Lâm Đồng, cho rằng trước kia đảo Bích Câu là vũng sình lầy, tụ điểm tệ nạn xã hội, Hội xin đầu tư cải tạo và đã tốn cả chục tỉ đồng mới được như ngày nay. Để có chi phí “nuôi” công viên, Hội có xin bán cà phê và được tỉnh đồng ý. “Chúng tôi xin gia hạn hoạt động (3 năm - PV) nhằm bù lỗ chi phí trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19. Hết thời gian này, nếu tỉnh có thu hồi đưa ra đấu giá hay gì đó, chúng tôi sẽ chấp hành và tham gia đấu giá bình thường”, ông Dũng nói thêm.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tất cả các vấn đề liên quan đến đề xuất của Sở TN-MT về việc thu hồi đất tạm giao ở đảo Bích Câu. Sau khi có báo cáo chi tiết mới có hướng xử lý theo đúng quy định.
Bình luận (0)