Sau quá trình tái cơ cấu thành công, OCB cũng đã bắt tay ngay vào dự án quản lý rủi ro Basel II như một trong những dự án chiến lược để tạo những nền tảng vững chắc trong hoạt động. Cùng với sự tư vấn của đối tác hàng đầu trên thế giới Development Banking Singapore (DBS), OCB đã từng bước tạo dựng được ba trụ cột bền vững của khung quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế Basel II.
Chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững được trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Và với Basel II, mọi rủi ro đều được lượng hóa bằng các con số cụ thể và các con số ấy sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để bù đắp được các rủi ro, cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các rủi ro. Đến nay, OCB đã hoàn thành công cụ tính vốn tự động theo yêu cầu của Basel, tự động hóa, an toàn bảo mật và chính xác, nhanh chóng. Thêm vào đó, OCB cùng với DBS Singapore đã hoàn thành dự án ICAAP - xây dựng khung quản lý vốn theo Basel II, theo đó ngân hàng đã thực hiện các kiểm tra sức chịu đựng trong các kịch bản về vốn và lập kế hoạch vốn cho giai đoạn 2017 - 2020. OCB đã phân bổ vốn xuống các khối kinh doanh và giao KPI về quản lý vốn và sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã hoàn thành các văn bản khung về vốn và công bố thông tin; hoàn thành cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của Basel.
Bà Huỳnh Lê Mai - Phó tổng giám đốc - Phụ trách Khối Quản lý rủi ro OCB cho biết: “Bên cạnh những lợi ích to lớn sẽ mang lại, để triển khai thành công Basel II chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là các yêu cầu cao về vốn tự có và các chỉ số thanh khoản, làm cho chi phí vốn tăng cao, tác động trực tiếp đến phương thức kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt trong việc lựa chọn khách hàng cho vay. Cấu trúc lợi nhuận của ngân hàng từ đó cũng thay đổi và lợi nhuận kỳ vọng phải được tính toán dựa trên mức chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Ngoài ra các thách thức trong quá trình triển khai Basel II tại Việt Nam là chi phí triển khai rất lớn cùng với các vấn đề về dữ liệu”.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Với mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng tốt Việt Nam, OCB đã không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trên mọi phương diện. Liên tiếp vài năm gần đây, thị trường đã chứng kiến sự lột xác của nhà băng này. Bắt đầu từ việc xây dựng lại hệ thống vận hành nội bộ và hệ thống quản trị rủi ro, ngân hàng số những nền tảng quan trọng cho một ngân hàng bán lẻ hiện đại trong tương lai. Từ việc hoàn thiện hệ thống phòng chống rửa tiền đến dự kiến trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, cải tiến hệ thống quy trình vận hành, cơ sở công nghệ… OCB đã thực hiện những bước đi quan trọng cho một ngân hàng hiện đại và hội nhập với các ngân hàng thế giới.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 với nhiều triển vọng, OCB đang trở thành một trong những ngân hàng có sự “bứt phá vượt bậc”. Tính đến ngày 30.9.2017, OCB có tổng tài sản 70,874 tỉ đồng đạt 83% kế hoạch năm, tổng huy động thị trường 1 là 56,339 tỉ đồng đạt 85% kế hoạch, dư nợ đạt 46,843 tỉ đồng hoàn thành 99% kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát dưới 2%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế của OCB sau 9 tháng đạt 789 tỉ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm.
Bình luận (0)