OECD nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế, cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ

04/12/2024 21:30 GMT+7

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ổn định trong 2 năm tới nếu chủ nghĩa bảo hộ không làm gián đoạn quá trình phục hồi thương mại.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất được công bố ngày 4.12, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, tăng 3,3% trong 2 năm 2025 và 2026.

Tăng trưởng năm sau tăng nhẹ so với báo cáo gần nhất của OECD vào tháng 9, khi dự báo kinh tế thế giới năm nay và năm 2025 tăng 3,2%. Báo cáo công bố ngày 4.12 của tổ chức này đề cập sau khi thương mại toàn cầu chững lại vào năm ngoái, tình hình thương mại đang phục hồi và tăng trưởng khối lượng thương mại dự kiến đạt 3,6% vào năm sau, bất chấp có những biện pháp hạn chế dòng nhập khẩu.

OECD nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế, cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ- Ảnh 1.

Cảng quốc tế PSA tại Singapore

ẢNH: REUTERS

"Căng thẳng thương mại gia tăng và các động thái hướng đến chủ nghĩa bảo hộ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng giá tiêu dùng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng”, báo cáo của OECD có đoạn.

Triển vọng thương mại toàn cầu bị đặt dấu hỏi khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công khai ý định tăng thuế với nhiều đối tác thương mại lớn. Xét riêng Mỹ, OECD dự báo tăng của của Mỹ sẽ giảm từ 2,8% năm nay xuống 2,4% năm 2025 và 2,1% năm 2026, một phần đến từ việc thị trường việc làm ổn định và giảm chi tiêu.

Đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, tăng trưởng được dự báo giảm từ 4,9% vào năm 2024 xuống 4,7% vào năm 2025 và 4,4% vào năm 2026. OECD nhận định dù Bắc Kinh có các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm để phòng ngừa trước bối cảnh kinh tế không chắc chắn.

Trong khi đó tại khu vực đồng euro, hoạt động đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp nới lỏng của ngân hàng trung ương có thể hỗ trợ người tiêu dùng tăng chi, qua đó đẩy tăng trưởng khu vực này từ 0,8% năm nay lên 1,3% năm 2025 và 1,5% năm 2026. Cùng giai đoạn, tăng trưởng của Anh được dự báo sẽ từ 0,9% lên 1,7%, trước khi hạ xuống mức 1,3%.

OECD cho biết khi lạm phát giảm, hầu hết ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ từng bước thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các chính phủ còn được cho là sẽ phải đưa ra những hành động quyết đoán nhằm giải quyết bài toán nợ công, khi chi tiêu công chịu áp lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.