Dọc những bờ sông, bao lần bình yên ngắm nhìn những bụi dừa nước xanh xanh hiền lành giữ đất. Thứ lá đó, dưới bàn tay chọn lựa, chằm khéo phơi canh, trở thành mái che cho những tổ ấm. Nơi nuôi dưỡng những con người chơn chất thiệt thà. Những tấm lá còn là vách, ủ ấm những giấc ngủ ngon. Sao giống vòng tay người má ôm con, không ngại hứng gió sương che cho con êm giấc. Lá chống nắng, lá hứng bão giông, những cái lá nằm san sát đan cài mạnh mẽ hơn bao giờ hết, như người xứ mình đoàn kết với nhau.
Ở Đồng Tháp, lá sen bọc lấy biết bao món ăn ngon, tạo ra hương vị đầm sen đặc biệt |
công hân |
Lá là những bàn tay mát rượi, ấp lấy, ủ lấy. Hồi xửa hồi xưa, cái thời chưa xài nhiều bọc ni lông như bây giờ, lá quý biết bao nhiêu. Thịt thà rau củ chợ quê nằm ngoan trong những gói lá chuối hiền khô, đâu có lo độc hại gì. Ôi tính cách miền Tây, giản dị quá chừng. Có nhớ không gói xôi bắp nhão nhỏ nhỏ, được giữ trong lá chuối, múc bằng cọng dừa hay cuống dứa cắt ra. Có giống bàn tay chị mình, cái thuở ấp lấy tay em dẫn đi tập bước.
Và lá mềm lá dẻo, lá giúp gạo nếp thành ra hình ra dạng. Còn nhớ lúc mới lẫm chẫm, cái bánh lá dừa trắng sữa nhìn thu hút biết bao nhiêu. Đòn bánh tét dài dài, bà ngoại phân biệt nhân mặn nhân ngọt chỉ bằng cách nhìn nếp lá chuối gói. Rồi bánh ú, bánh lá, bánh khoai… Những thứ lá sáng tạo, theo đó ra đời mấy chục loại bánh. Không hiểu sao lá mọc nhiều vậy, không hiểu sao các bà các cô nhớ cho bằng hết công thức làm từng loại bánh riêng. Hẳn đã qua mày mò, qua biết bao lần truyền dặn, mới biết lá mít dùng lót bánh ngon như vầy, lá tre gói bánh ú mới hợp. Ở An Giang, người ta biết dùng lá thốt nốt đặc trưng vùng tạo thành thứ bánh của riêng nơi núi rộng sông dài. Ở Đồng Tháp, lá sen bọc lấy biết bao món ăn ngon, tạo ra hương vị đầm sen đặc biệt.
Lá không chỉ giữ, lá còn tham gia, hay nói đúng hơn chính là phù phép tạo nên hồn cốt những đặc sản xứ mình. Mùi nếp bừng thơm, mùi bánh dậy ngạt ngào làm sao thiếu đi tiếng gọi lá dứa đánh thức. Nhà nào cũng trồng mấy bụi dọc mé mương, không chỉ cho món ngon thêm mùi, còn tạo ra màu xanh tự nhiên khi cần pha vào. Còn lá mơ mùi tuy khó chịu, nhưng nước cốt hòa vô bột đổ bánh lại ăn không muốn nghỉ. Lá cẩm gợi nhớ gợi thương, như một phép màu từ xanh tạo thành sắc tím thủy chung cho những xửng rau câu, những khoanh bánh tét; hệt như những bà những cô giản dị nhưng luôn biết cách ăn mặc phù hợp lúc cần. Những màu những hương ấy, dễ làm nhớ tấm áo mới má may cho, những rực mà bà mà cô dành riêng cháu con yêu dấu.
Lá ơi là lá! Lá làm nên đủ thứ món ngon. Canh khỏi nói, gỏi đừng kể, sơ sơ có khi tới sáng chưa hết. Có lần bạn ngoài Bắc vô chơi, kêu ấn tượng nhất rổ rau miền Tây. Chuyện đó khỏi cần phải nói. Mấy món lẩu với gói, thiếu rau đâu có được. Xứ này bạt ngàn lá, đủ loại lá. Lá hiền, hầu như ăn được, đủ dạng đủ vị. Nhắc tới lá, phải kể bánh xèo. Thứ bánh vàng nghệ đổ điêu luyện, ngoài rìa giòn khấu, bên trong nhân mềm ngọt, cuốn rau chấm nước mắm chua ngọt ăn hoài muốn thêm hoài. Cả một rừng lá ăn kèm. Lá xoài, lá cóc non chua chua. Lá xá xị có mùi hăng hăng lạ mũi. Lá cách nhân nhẫn. Lá cát lồi man mát. Rồi những đinh lăng, đọt lụa, bằng lăng, chòi mòi, rau cải, rau thơm… Cả những loài lá dại không tên, ở vườn, ở rừng, riêng biệt từng tỉnh miền Tây tạo nên dấu ấn. Sự phong phú ấy, có phải bao la như tình thương những người đàn bà xứ này?
Tưởng lá ăn chơi chơi vui miệng, ngờ đâu được ẩn sau đó là nhiều vị thuốc Nam. Ông nội kêu đất này trời thương, dân nằm trên kho thuốc. Đâu đâu cũng thuốc. Những món ăn bổ dưỡng nuôi con người xanh rờn xanh. Ngó thử món bánh xèo hồi nãy coi chơi, cái lá xoài non coi vậy mà chữa bệnh hạ đường huyết, bệnh tiểu đường. Lá bằng lăng chát chát lại là vị thuốc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lá cát lồi có thể chống viêm, trị sốt, thấp khớp. Lá chòi mòi non trị đau đầu, điều hòa kinh nguyệt. Đám con nít xứ này mạnh cùi cụi có lẽ cũng nhờ vậy. Một tô canh tập tàng, mớ rau dại luộc giữ bên trong những dược tính thần kì. Hồi đó hễ đau bụng tiêu chảy là ra bứt mớ lá ổi nhai, đâu có biết nó chứa Flavonoid loại quercetin như báo đài sau này ra rả. Vậy mới hay, những người bà người má miền Tây nuôi con bằng sự giản dị chọn lọc, chứ nào đâu cẩu thả gì. Những kinh nghiệm dân gian đáng quý được lưu truyền, xuyên suốt chảy như dòng sông bồi đắp.
Những thớ lá còn mang đến niềm vui tuổi nhỏ, ai còn nhớ không? Nhớ ông nội làm cho chong chóng, cào cào bằng lá dừa, đám trẻ con hớn hở cầm khoe rộn tiếng cười khắp xóm. Tài tình những chiếc lá dừa xoay xoay trong gió với niềm vui giòn giã. Nhớ kèn lá chuối kêu toe toe, tiếng đục tiếng vang ăn thua bàn tay quấn kéo. Nhớ nhà chòi gom đủ loại lá xây lên, đủ cho dăm ba đứa túm tụm chui vô chui ra giả bộ làm gia đình nhỏ. Nhớ dòng sông mang tới những bụi lục bình, thân lấy giả làm bánh mì lá cắt sợi làm bún chơi trò bán buôn. Lá chu đáo như ba má mình, lo cho đàn con no đủ cả về tinh thần.
Kể cả khi cạn khô nhựa sống, khi già héo, lá vẫn không ngừng nghỉ cống hiến. Những tàu lá dừa khô được phơi kĩ, róc ra dùng nhóm lò. Bén lửa và không hôi khói, cháy hào sảng. Một kiểu sống rất “miền Tây”, nồng nhiệt hết mình.
Chính lá, chứ không phải bông, làm nên màu sắc miền Tây. Có thể chúng không lộng lẫy, không màu mè, nhưng những gam màu chân phương đó khiến người ta nhớ thương không nguôi nổi. Màu lá thấm cả vào lòng, làm nên nết người. Xứ này, ai ai cũng dễ thương, cũng hiền lành như lá. Người làm nên món ngon, người làm ra vật tốt. Người xây đắp quê hương. Người mang danh xứ sở đi xa. Ai ai cũng sống hết mình, trọn vẹn, như đời lá.
Bồi hồi nhớ chai rượu nút lá chuối đem về cho ba. Nhớ bữa cơm giữa đồng, dung dị cá lóc nướng trui lót trên lá sen lá chuối. Có mớ lá ăn kèm hoang dại mọc quanh. Lá ở khắp mọi nơi, đâu đâu cũng xanh cũng tốt. Người miền Tây xứ mình, đi tới đâu cũng sống nhiệt thành.
Bình luận (0)