Ơi người giữ mảnh hồn quê!

28/10/2022 18:00 GMT+7

Có tiếng chim ríu rít. Ba lắng tai nghe rồi khẽ nghiêng người dõi ánh nhìn tìm bóng chim trong vòm lá ngoài sân. Ba không nói nhưng con biết ba nhớ nhà, nhớ quê khôn kể xiết!

Cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng chưa bao giờ ba xa quê lâu như vậy. Phần lớn thời gian của ba gắn với những cánh đồng, những dòng kinh. Sạ, cấy, đắp đập be bờ mùa cạn; câu, lưới, lợp lờ lúc nước tràn đồng - thời trẻ. Từ lúc mùa lũ thôi về với lũ lượt cá tôm thì ba cũng giã từ nghề hạ bạc, suốt ngày quanh quẩn sau nhà chăm sóc vườn cây ao cá theo đúng nghĩa "về vườn". Mà vườn nhà mình thì rợp bóng cây, lúc nào cũng lồng lộng gió và ríu ran chim hót. Đó! Cái người cả đời thở hơi đồng ruộng, tắm ngọn gió trời mà giờ phải cam chịu giữa bốn bức tường gò bó, ngột ngạt mùi thị thành thì làm sao không thương không nhớ?

Con có thể không yêu quê bằng ba nhưng con cũng nhớ nhiều, nhiều lắm!

tgcc

Con có thể không yêu quê bằng ba nhưng con cũng nhớ nhiều, nhiều lắm! Con cũng vừa mơ. Thực ra giấc mơ ấy chỉ là sự thức dậy của ký ức, là nỗi quê thôi thúc trở về. Con thấy hai cha con mình rong ruổi cùng mênh mông sóng nước, chiếc xuồng nhỏ không chòng chành mà êm trôi trên bát ngát mây trời. Ruộng đồng lặn sâu xuống đáy nước nghỉ ngơi sau mấy mùa vụ miệt mài. Mẹ Cửu Long đem phù sa về theo con nước lớn, vun đắp, lắng bồi cho mùa sau lúa mẩy quằn bông. Mây soi bóng dưới mặt nước cho con tưởng mình đang bồng bềnh với mây trời trong một vũ trụ khác, từng chùm rong đuôi chồn uốn éo dưới mặt nước với những hình thù kỳ dị cho con một thế giới huyền bí màu cổ tích... Tuổi thơ trong veo chẳng biết nỗi âu lo tôm cá ít nhiều của cái dáng gầy guộc đang lặng lẽ chống xuồng. Dáng gầy guộc ấy lại chính là bóng cả che chở bình yên một khoảng trời...

Những âm thanh mơ hồ, lạc lõng làm con chới với tỉnh thức. Buổi dạo chơi ký ức kết thúc đột ngột, phũ phàng. Những người tạo âm thanh ấy không hề cố ý. Chẳng ai muốn đến đây để làm kẻ vô tình đưa người khác ra khỏi những giấc ngủ, những cơn mơ dù chỉ là những giấc ngủ nặng nề, những mộng mị mệt mỏi. Con nhìn sang, ba chắc chắn là không ngủ, chỉ đang khép hờ đôi mắt để lang thang trong giấc "chập chờn không quê". Tiếng chim ngoài kia cứ khắc khoải một nỗi niềm. Giờ này chắc tâm trí ba đang trôi về với chiếc xuồng trên bến nước. Ba với nó vừa từ ngoài đồng về. Ba vừa xách mớ đồ đạc lỉnh kỉnh vừa "hăm" đứa được giao "trọng trách" vắt mồi nhử tép: "Bữa nay lại đếm dư! Giao vắt một trăm cục mồi đặt lợp mà bữa dư bữa thiếu. Bữa sau mà còn vậy nữa là ba bắt ăn cục mồi dư luôn cho tởn!". Mẹ ngồi vo gạo trên sàn nước phụ họa: “Con gái ông cứ quên trước quên sau, đi học về cả buổi rồi hỏi: “Mẹ ơi, con ăn cơm chưa?””. Ba lắc đầu, cười. Hôm sau, mồi vẫn vắt không đúng số... Cha con mình thèm lắm một ngày về. Về với miền quê hiền hòa bên bờ sông mẹ, để ba ra vườn hái mấy trái mít chín dậy mùi thơm, bắt mấy con cá dưới ao lên cho mẹ kịp buổi chợ sớm tinh sương, để ba vừa sửa cho thằng cháu ngoại cái xích đu chỗ cây khế bị đứt mất một dây vừa rủ rỉ kể nó nghe chuyện nhà mình hồi xưa nghèo mà mẹ và dì của nó vẫn ráng “bường” đi học...

Vẫn là tiếng chim da diết... Hình như không phải từ ngoài sân, mà nó vọng đến từ một cõi nào thăm thẳm. Ba lại nhìn ra sân dõi tìm bóng chim trong vòm lá. Đôi mắt tinh anh ngày nào nay đờ đẫn, đục mờ... Ba dặn: “Nào mẹ lên kêu mẹ đem cuốn sổ với cây viết. Giờ ba còn tỉnh táo nói mẹ ghi danh sách khách mời dự đám cưới con út. Để đây rồi xạ não lỡ ba quên...”. Trời đứng gió, không khí đặc quánh làm con ngạt thở. Ba ngừng nói, chắc tâm trí đang bay về gốc trâm cuối bãi, chỗ nhỏ út hồi đó giành hái với mấy đứa con nít thiếu điều đánh lộn. Chiều về út được ba “tẩn” cho mấy roi vì tội thách thức: “Mét đi! Ba tao thương tao lắm, không đánh đâu!”. Chắc ba cũng không tin mấy chục năm trôi qua như một cái chớp mắt. Ráng lên ba ơi! Rồi một ngày mình sẽ rộn ràng bước lên chuyến xe hạnh phúc trở về. Về và ở hẳn với quê nhà. Ba khỏe mạnh, chúng ta không còn nơm nớp trên những chuyến xe đêm lên thành phố, không còn phải khắc khoải trong những bệnh viện mà bệnh nhân cứ hao hao nhau…

Tiếng chim cứ đau đáu, mơ hồ… Nhớ lần đầu tiên ba lên thành phố, lần đầu được lên thành phố mà chớ có vui. Lần đầu xa quê thăm thẳm, chẳng biết khi nào về, cùng một “án tử” treo lơ lửng và những rối rắm âu lo. Này thì người bạn đời nay đau mai ốm, này thì con út chưa kịp gả chồng, này thì ruộng vườn bề bộn, này thì nhà tổ ai người kế thừa hương lửa… Bà con dòng họ cũng rối bời: ba có bề gì thì biết nương tựa vào ai những khi hữu sự, ai người dẫn dắt tinh thần, sắp xếp chu toàn trước sau mọi việc? Hàng xóm láng giềng cứ thắc thỏm, người rầu rĩ: “Ảnh chưa về biết nhờ ai làm trưởng tộc đám cưới con tui?”, người rưng rưng: “Hồi tui mới về đây, mai nhờ có chú cưu mang”, người thở dài: “Người hiền mà sao mắc căn bệnh dữ?”.

Ba đã sống một cuộc đời thật đẹp, dù nghèo khó nhưng đã giúp đỡ, bảo bọc bao người – cả vật chất lẫn tinh thần, dù “nghèo gia truyền” nhưng ba quyết không lấy một đồng tiền không phải của mình. Ở một quãng ngắn của cuộc đời, có lúc ba đã giữ ít chức vụ, ít quyền hạn chính trị nhưng chưa bao giờ ba thay đổi lẽ sống. Trong khi cùng thời điểm, có không ít người giữ vị trí giống ba đã phải đối diện với pháp luật vì không giữ được mình, thì ba vẫn là ba. Khi nhẹ nhàng rời bỏ “quan trường”, ba vẫn nghèo, thậm chí còn nghèo hơn cả lúc mới đi làm vì cái tính “lo việc bao đồng”. Vậy nên lúc biết ba mang bạo bệnh, người nguyện được thế mạng cho ba, người gửi con cá, mớ rau, vị thuốc cho ba tẩm bổ… Và tụi con tự hào vì có một người ba nghèo kiểu vậy - một người hào sảng đúng chất miền Tây - và chắc chắn sẽ không làm ba hổ thẹn!

…Những ngày nhớ quê đến quắt queo rồi cũng kết thúc. Ba được xuất viện, đôi mắt mờ đục, đờ đẫn ánh lên niềm vui vô bờ bến. Càng gần đến nhà ba càng tươi, càng rạng rỡ như đồng lúa mùa hạn gặp trận mưa rào. Bữa đó ba cười mà xóm làng ngập trong nước mắt. Chúng ta lại được về sống với quê hương, được tắm ngọn gió trời lồng lộng, nghe tiếng chim ríu rít sân nhà...

Vườn nhà mình vẫn mát rượi bóng cây, gió vẫn lồng lộng thổi... Những buổi nhàn nhã hiếm hoi con cũng bắt chước ba, pha bình trà ra ngồi dưới gốc cây nghe bốn bề chim hót, thưởng thức cùng ba không khí trong lành của góc quê bình yên. Không còn cơn đau nào có thể hành hạ người được nữa. Đó! Ba đang thanh thản gối đầu lên cỏ giữa khu vườn lộng gió, mắt dõi nhìn những cây lúa xô nhau đuổi bắt tận chân trời. Căn bệnh quái ác có thể cướp đi thân xác, nhưng nó không cướp được ba trong tâm trí người còn sống, anh linh ba vẫn còn đó cùng đất trời, cây cỏ. Người vẫn ở đó giữ mảnh hồn quê để những đứa con xa luôn thao thức quay về. Quê nhà có họ tộc, xóm giềng, có phần mộ ông bà, có mẹ, có ba...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.