KỶ LỤC THẾ GIỚI QUÁ HIẾM
Tính đến trước ngày thi đấu cuối cùng, chỉ có 2 kỷ lục thế giới (KLTG) mới về bơi lội được thiết lập ở Paris 2024: kỷ lục 46 giây 40 của Pan Zhanle (Trung Quốc) ở nội dung 100 m tự do nam và kỷ lục 3 phút 37 giây 43 của đội Mỹ ở nội dung bơi tiếp sức 4 x 100 m hỗn hợp nam nữ.
Thật ra, bơi tiếp sức hỗn hợp nam nữ là nội dung mới, chỉ vừa được đưa vào chương trình thi đấu gần đây, nên sự xuất hiện KLTG ở nội dung này là điều bình thường. Người ta không ghi nhận kỷ lục cho các nội dung bơi marathon vì điều kiện thi đấu mỗi nơi mỗi khác. Còn lại là
4 nội dung cuối cùng trong hồ, thi đấu lúc rạng sáng nay 5.8. Nhiều khả năng đây sẽ là kỳ Olympic có thành tích bơi lội thấp nhất trong kỷ nguyên hiện đại (xét theo số lượng KLTG).
Những kỳ Olympic gần đây đều có ít nhất 6 KLTG mới. Cá biệt Olympic Bắc Kinh 2008 có đến 26 lần phá KLTG, với 19 kỷ lục chung cuộc (nghĩa là có những nội dung mà KLTG bị xô ngã nhiều hơn 1 lần). Một mình Michael Phelps (Mỹ) tại Bắc Kinh đã có 7 KLTG mới, vượt xa so với toàn bộ KLTG của cả Paris 2024 cộng lại.
Vấn đề không chỉ là số lượng kỷ lục. Rất nhiều thành tích vô địch bơi lội tại Paris 2024 thấp hơn so với kỳ Olympic trước. Đây là điều khó chấp nhận vì nhiều lẽ. Một mặt, Olympic Tokyo 2020 (giống như bao sự kiện thể thao quan trọng khác), đã chịu ảnh hưởng lớn từ cơn đại dịch Covid-19 nên không có thành tích hoàn hảo. Mặt khác, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật và những phương pháp huấn luyện tiên tiến hơn, thì thành tích bơi lội ở giải sau nhìn chung là luôn cao hơn giải trước.
Thành tích (nhìn chung) thua cả Tokyo 2020 đã là điều không hay. Còn có trường hợp cụ thể, như HCV 100 m ếch nam của Nicolo Martinenghi (Ý) có thành tích thấp nhất so với những nhà vô địch Olympic trong vòng 20 năm nay. Martinenghi thua chính mình tại Tokyo 2020, trong khi thành tích vừa giúp anh vô địch tại Paris nếu xuất hiện trong 2 kỳ Olympic trước đây sẽ chẳng mang lại huy chương gì!
HỒ BƠI TẠM BỢ, CHỈ SÂU 2,15 M
Môn bơi tại Olympic 2024 được tổ chức tại Paris La Defense Arena, nơi vốn là sân… bóng bầu dục! Đây là một trong những SVĐ trong nhà lớn nhất châu Âu. Có cả những buổi hòa nhạc lớn (Taylor Swift vừa trình diễn tại đây hồi tháng 5). Trong một thời gian cực ngắn, sân bóng bầu dục có sức chứa 30.000 khán giả của CLB Racing 92 được sửa thành… bể bơi, bởi nguyên nhân khá hợp lý: Sẽ có rất nhiều khán giả đến xem môn bơi lội tại Olympic. Các VĐV bơi lội tham dự Paris 2024 đều tỏ ra phấn khích vì đặc điểm này.
Thông thường, bể bơi mà có khán đài trên 10.000 chỗ thì sẽ lãng phí, bởi ít ai đi xem bơi lội nếu đấy không phải là Olympic. Vậy nên, cứ xây tạm cái hồ bơi tại SVĐ trong nhà có sẵn khán đài cực lớn này, hết Olympic thì lại tháo dỡ bể bơi, trả lại thành sân bóng bầu dục và hòa nhạc.
Vấn đề là: Không hiểu vì sao bể bơi chỉ sâu 2,15 m! Quy định của Olympic là bể bơi chỉ cần sâu từ 2 m trở lên, nhưng tuyệt đại đa số bể bơi ở các giải lớn đều sâu 3 m. Đấy là độ sâu lý tưởng, vừa để các tác động vật lý của nước không làm giảm tốc độ bơi, vừa để VĐV vẫn nhìn thấy đáy để "canh" tốc độ bản thân.
Nói nôm na, người ta gọi bể bơi tại Olympic 2024 là bể bơi "chậm", cho dù các nhà tổ chức và công ty xây hồ cứ khẳng định là độ sâu 2,15 m "không ảnh hưởng gì đến thành tích của VĐV". Suy cho cùng, đây chỉ là một trong cơ man đề tài tranh cãi của Olympic năm nay. Người ta chấp nhận độ sâu "khiêm tốn" này còn vì Paris 2024 đã có một địa điểm khác để tổ chức môn nhảy cầu.
Bình luận (0)