'Ôm' công việc từ công ty đến quán ăn, cà phê

07/06/2023 15:00 GMT+7

Có không ít người trẻ luôn chứa công việc trong suy nghĩ. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi lúc, mọi nơi họ đều có thể trao đổi về công việc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân.


Người trẻ nói về công việc mọi lúc mọi nơi - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ "ôm" công việc mọi lúc mọi nơi

THẢO PHƯƠNG

"Ôm" công việc từ công ty đến quán ăn, cà phê

Không chỉ bàn chuyện công việc ở công ty, trao đổi khi gặp gỡ đồng nghiệp, nhiều người trẻ còn mang công việc vào mọi câu chuyện với mọi đối tượng và ở mọi lúc, mọi nơi. ‏

‏Mặc dù mới đi làm được 6 tháng nhưng khi gặp lại những người bạn học chung lớp đại học, thay vì hỏi thăm nhau thì nhóm bạn của cô nàng gen Z này toàn nói về chuyện công việc. ‏

‏"Trước kia còn đi học thì nội dung tụi mình chia sẻ trong những buổi cà phê là học hành, bài vở, những chuyện xảy ra trên lớp. Nhưng từ khi chính thức đi làm, việc hẹn gặp nhau rất khó, vậy mà khi gặp được thì từng đứa than thở về công việc. Chủ đề của cuộc trò chuyện sẽ thay đổi theo thời gian và theo mối quan tâm lớn nhất của tụi mình ở thời điểm đó", Nguyễn Thùy Linh (22 tuổi), làm nhân viên marketing tại một cửa hàng thực phẩm trên đường Vũ Tùng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ. 

Người trẻ nói về công việc mọi lúc mọi nơi - Ảnh 2.

Việc gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê của các bạn trẻ như đang đổi chỗ làm việc

THẢO PHƯƠNG

‏Có không ít người trẻ đi ăn uống với bạn bè nhưng vẫn kè kè chiếc laptop bên cạnh. "Hẹn nhau đi ăn sau giờ làm nhưng vừa vào quán là đã lo xin mật khẩu wifi rồi tìm nơi có ổ điện để cắm sạc laptop vì công việc chưa giải quyết xong. Gặp nhau chỉ hỏi thăm được vài câu rồi lại lái sang chuyện công việc và ôm khư khư chiếc laptop. Mặc dù biết người đối diện sẽ rất khó chịu nhưng mình không thể dẹp công việc sang 1 bên được", Dương Bích Ngọc (24 tuổi), ở trọ tại 643/16 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay. 

Người trẻ nói về công việc mọi lúc mọi nơi - Ảnh 3.

Đi uống cà phê với bạn cũng cầm theo laptop

THẢO PHƯƠNG

‏Nhiều bạn trẻ luôn ưu tiên công việc lên hàng đầu nên hoạt động giải trí nào cũng có công việc chen chân vào. Phan Nguyễn Ngọc Nguyên (23 tuổi) làm nhân viên tư vấn dịch vụ bất động sản, ở trọ trên đường Linh Trung, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM), tâm sự: "Đi cà phê với bạn bè để tán gẫu thì ít mà nói chuyện công việc, tranh thủ hỏi thăm, kết nối những mối quan hệ để bổ trợ công việc thì nhiều. Có nhiều khi căng thẳng quá nên đi xem phim để thư giãn đầu óc nhưng không tập trung nổi vì cứ nghĩ tới đống công việc chưa xử lý xong. Rồi lại cầm điện thoại kiểm tra tin nhắn liên tục để tư vấn cho khách".‏

"Công việc là đầu câu chuyện"

‏Theo thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thanh Hoa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thực tế cho thấy với không ít người trẻ hiện nay, công việc đã chiếm phần lớn trong suy nghĩ của họ. Chính vì thế họ hay "ôm" công việc từ công ty đến cả quán ăn, quán cà phê, trong những buổi hẹn... 

‏Theo thạc sĩ Thanh Hoa, có nhiều lý do dẫn đến việc người trẻ "ôm" công việc mọi lúc mọi nơi. Đầu tiên, nếu như ngày trước "miếng trầu là đầu câu chuyện", thì với một số gen Z hiện nay, "công việc là đầu câu chuyện". Minh chứng dễ nhận thấy nhất là trong các buổi gặp gỡ, mọi người hay bắt đầu bằng câu hỏi: "công việc dạo này thế nào", "công việc thời gian này ổn chứ?", "công việc có gì mới không?"... ‏

‏Lý do tiếp theo, gen Z có đặc điểm là rất cầu tiến, muốn nỗ lực đạt được những thành công trong sự nghiệp. Khi được giao nhiệm vụ, họ luôn muốn hoàn thành trong thời gian ngắn nhất nên hay nghĩ đến và bàn về công việc. Chẳng hạn như ngoài khung giờ làm việc của công ty, gen Z có thể tận dụng thời gian nghỉ trưa, vào những giờ ăn để tiếp tục xử lý công việc. Ngoài ra, còn có cả lý do là gen Z muốn tận dụng những cuộc trò chuyện về công việc với bạn bè, đồng nghiệp, người thân, đối tác... để trau dồi, giũa mài kinh nghiệm nhằm nâng cấp bản thân cũng như mở rộng những mối quan hệ. ‏

‏"Ngày trước, tôi cảm thấy bất ngờ khi ngồi ở quán cà phê, quán ăn mà lại được nghe những người trẻ bàn bạc, trao đổi với nhau về công việc. Nhưng sau khi tìm hiểu thì tôi không còn lạ nữa. Và tôi chứng kiến những cảnh như vậy rất nhiều lần", thạc sĩ Hoa nói. ‏

Chăm lo cho công việc nhưng đừng quá đà

‏Tuy nhiên, theo thạc sĩ Thanh Hoa, việc người trẻ luôn nói về công việc mọi lúc mọi nơi cũng lợi bất cập hại. Vì nếu chỉ suy nghĩ đến công việc sẽ vô tình khiến bản thân trong tình trạng mệt mỏi. 

Người trẻ nói về công việc mọi lúc mọi nơi - Ảnh 4.

Nghĩ đến công việc quá nhiều sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng đè nặng

THẢO PHƯƠNG

‏Ngoài ra, thạc sĩ Thanh Hoa cũng cho biết thêm, trong những cuộc gặp bạn bè tán gẫu mà chỉ nói về công việc thì có thể khiến người đối diện cảm thấy cuộc trò chuyện khá tẻ nhạt. Hay đi ăn mà chỉ cặm cụi nhìn chằm chằm vào điện thoại để xử lý công việc thì cũng là hành động kém duyên khiến người khác không hài lòng. Và nhiều khi mang cả áp lực công việc, những việc còn tồn đọng của công ty về nhà, có thể khiến trạng thái bản thân căng thẳng, áp lực, làm ảnh hưởng đến cảm xúc của chồng, vợ. Nói một cách khác, cứ "ôm" công việc mọi lúc mọi nơi có thể vô tình làm rạn nứt những mối quan hệ. ‏

‏Do đó, thạc sĩ Thanh Hoa đưa ra lời khuyên, việc tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc là tốt nhưng việc gì phải ra việc đó. Đừng nên bàn về công việc mọi lúc mọi nơi. Hãy để chuyện công việc chỉ xuất hiện trong khuôn viên công ty vào những giờ làm việc. Còn lại, hãy để cho bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn, được toàn tâm toàn ý với những phút giây ngồi coi phim, ngồi uống cà phê, ăn uống với bạn bè... nhằm tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc mệt nhoài. Nếu lúc nào cũng nói về công việc, nghĩ đến công việc thì sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng đè nặng. Khi đó làm việc sẽ kém hiệu quả.‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.