Ôm "cục tức" khi đi làm thêm, phải biết tính sao?

19/02/2023 16:54 GMT+7

Với phương châm “khách hàng là thượng đế”, nhiều bạn trẻ khi làm phục vụ cho các quán nước, nhà hàng, rạp chiếu phim… luôn cố gắng chăm sóc khách hàng chu đáo. Tuy vậy, khi đi làm phục vụ, họ gặp phải không ít trường hợp khách hàng khó tính, đòi hỏi bất hợp lý.

Khi những đòi hỏi vô lý của khách hàng...

Lê Phúc Hưng, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM làm thêm với công việc phục vụ ở một quán cà phê ở làng đại học Thủ Đức (giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương), cho biết mình luôn được chủ quán bảo là phải cố gắng hết sức để làm vui lòng khách đến, hài lòng khách đi. Tuy nhiên, theo Hưng thì có những thứ khách yêu cầu vô lý và mình không thể thực hiện được.

Những tình huống oái oăm mà Gen Z gặp phải khi đi làm phục vụ - Ảnh 1.

Một số khách hàng có những yêu cầu bất hợp lý khi đi ăn uống

Phúc Kha

Phúc Hưng chia sẻ: “Cách đây nửa tháng, có một khách hàng yêu cầu mình tìm mua giúp bộ bài Tây để nhóm khách ngồi chơi. Khi mình nói quán không cho khách chơi bài thì bạn ấy tỏ thái độ rất khó chịu, bực tức, kêu cả đám bạn ra về và còn nói lần sau sẽ không quay lại quán này nữa”.

Nguyễn Ngọc Minh Duy, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành kể lại vài câu chuyện mà nam sinh gặp phải trong quá trình làm thêm. Minh Duy từng tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, có khách hàng thì rất dễ chịu nhưng cũng có khách làm khó nhân viên.

“Mình đi làm ở một quán ăn bán các món đồ nướng. Có lần, một khách hàng yêu cầu mình phải ngồi uống với họ vài ly bia. Mình từ chối với lý do nhân viên không uống được bia. Thế là, vị khách quát lên, kêu quản lý cửa hàng đến và phàn nàn mình có thái độ phục vụ không tốt. Sau đó, mình bị quản lý cửa hàng chửi rất nặng và còn bị trừ lương”, Minh Duy chia sẻ.

Cũng từng rơi vào trường hợp không thực hiện yêu cầu của khách hàng, Nguyễn Ngọc Thái Bảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Quán mình làm có ghi tấm bảng là "khách hàng không được đem thức ăn bên ngoài vào phòng máy lạnh" để hạn chế mùi thức ăn gây ảnh hưởng đến mọi người. Tuy đã ghi rõ như thế nhưng có vài khách hàng họ vẫn cố chấp đòi phải mang vào quán. Mình và các bạn làm chung không thể đáp ứng yêu cầu của họ. Thế là, họ buông lời chửi tụi mình và cho rằng khách hàng là thượng đế”.

Kiềm chế, ứng xử lịch sự và không được đôi co với khách hàng

Từng nhiều năm đi làm phục vụ quán nước ở một chuỗi cửa hàng cà phê lớn khi còn là sinh viên, Nguyễn Bảo Tín (24 tuổi), ngụ tại chung cư Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Mình đã gặp nhiều trường hợp khách hàng yêu cầu làm những thức uống không có trong menu và tệ hơn là xúc phạm nhân viên. Mỗi lần gặp tình huống như vậy, mình luôn giải thích với khách và nhờ khách chọn món khác, quán sẽ giảm giá. Trường hợp nếu không giải quyết được mình sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của những người có vị trí cao hơn như: trưởng ca làm, thậm chí chủ quán. Có một điều quan trọng là tuyệt đối không được đôi co với khách hàng”.

Những tình huống oái oăm mà Gen Z gặp phải khi đi làm phục vụ - Ảnh 2.

Khi đi làm phục vụ, bạn trẻ cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề từ khách hàng

Đức Thịnh

Với Trần Ngọc Nhi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khi đi làm phục vụ phải học cách kiềm chế, ứng xử lịch sự ngay cả khi khách hàng trở nên vô lý. Ngọc Nhi nói: “Mình phải giữ được tôn chỉ “khách hàng là thượng đế”. Khi đi làm mình luôn tôn trọng khách hàng, luôn sẵn sàng tiếp nhận những phản hồi mà khách hàng đưa ra và cố gắng tìm giải pháp khi những yêu cầu không thực tế của khách để họ có thể vui lòng. Từ đó, giúp họ có thiện cảm hơn đối với cửa hàng”.

Anh Lê Hoàng, chủ một quán cà phê ở làng đại học Thủ Đức chia sẻ: “Trong tình huống gặp phải những khách hàng không tuân theo quy định của quán, nhân viên cần bình tĩnh để tìm hiểu vấn đề họ đang gặp phải, nắm bắt được đúng, đủ những gì họ muốn truyền đạt. Tuy nhiên, bên cạnh dịch vụ đến từ các cửa hàng, hàng quán, khách hàng cũng cần có thái độ cư xử lịch thiệp với nhân viên phục vụ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.