Chó con là ổ chứa bệnh cần lưu ý
Theo Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, năm 2023, viện ghi nhận các trường hợp đến khám do nhiễm ký sinh trùng (giun, sán, ấu trùng giun đũa chó, mèo...) tăng đột biến. Có thời điểm, mỗi ngày có 300 - 400 người đến khám; trước đó, trung bình chưa đến 200 người/ngày.
Theo PGS - TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư), trong các bệnh nhân đến khám do nhiễm ký sinh trùng, có thời điểm đến 70% các trường hợp nhiễm ký sinh trùng là bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.
TS Dũng lưu ý, nếu trong gia đình nuôi thú cưng không đảm bảo vệ sinh thì rất dễ nuốt phải trứng giun này. Đặc biệt, chó nhỏ nhiễm giun đũa rất nhiều, chó càng nhỏ nhiễm càng nhiều. Mỗi ngày, thú cưng này có thể thải ra cả ngàn trứng giun.
Ở người nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo, triệu chứng thường gặp nhất là ngứa, ngứa kéo dài. Với các ca bệnh này, dùng thuốc tẩy giun thông thường không hiệu quả mà cần được đánh giá, điều trị riêng; quá trình điều trị cần đánh giá về chức năng gan.
"Các gia đình khi nuôi thú cưng cần đảm bảo vệ sinh, quản lý phân, vì đó là nguồn chứa trứng giun. Những người hay ôm ấp, hay hôn, cho chó, mèo ngủ cùng thì nguy cơ nuốt phải trứng giun đó rất lớn", TS Dũng nói.
Ngứa điên đảo, gãi sồn sột
Một bác sĩ của khoa Khám bệnh cho hay, những năm gần đây, việc nuôi thú cưng (chó, mèo); làm bạn với thú cưng, coi thú cưng như con, đi đâu cũng mang theo, thậm chí bế, ôm hôn thú cưng rất thân thiết khá phổ biến. Tuy nhiên, thường xuyên tiếp xúc rất gần có thể gây nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó, mèo nếu không đảm bảo vệ sinh trong gia đình, vật nuôi.
Do đó, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa chó. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.
Trứng giun đũa chó, mèo khi vào cơ thể người sinh ra ấu trùng giun đũa chó, đi khắp cơ thể như não, gan, phổi, thần kinh, mắt.
Trước đây ít gặp các bệnh ký sinh trùng ở người, nhưng hiện tại các ca bệnh rất đa dạng. Ngứa là các triệu chứng thường gặp ở người nhiễm giun đũa chó, mèo. Có người mắc bệnh nhiều năm, chữa da liễu không khỏi, bôi thuốc không đỡ, khiến da tổn thương, trợt loét chảy nước.
"Có người do quá ngứa đã phải có riêng chiếc lược sừng răng to để chuyên gãi ngứa, cứ ngứa là cào. Ngứa không nguy hiểm nhưng rất ảnh hưởng cuộc sống, lúc nào cũng gãi sồn sột", bác sĩ chia sẻ.
Tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, nhiều các bệnh nhân ngứa lâu năm được phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo đã khỏi bệnh, hết sạch ngứa sau các đợt điều trị.
Theo Bộ Y tế, bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người.
Nguồn bệnh hay ổ chứa chính là chó, mèo nhiễm giun Toxocara; đặc biệt, chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người.
Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.
Phương thức lây truyền do người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó, mèo; người ăn phủ tạng hay thịt sống, chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ.
Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Tất cả mọi người, cả hai giới đều có thể bị nhiễm và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành.
Bình luận (0)