Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho bệnh nhân nhóm 6-11 tuổi tại Semarang, Indonesia |
afp |
Hãng Reuters ngày 28.12 dẫn lời quan chức Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi thông báo nước này vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron và đang tiến hành truy vết tiếp xúc.
Bệnh nhân nam 37 tuổi là người sống tại thành phố Medan và từng đến một nhà hàng tại Jakarta. Người này gần đây không ra nước ngoài hay tiếp xúc với khách nước ngoài. Bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng và hiện đang được cách ly tại một bệnh viện ở Jakarta, sau khi cách ly ở nhà.
“Với trường hợp lây nhiễm trong nước này, chúng tôi sẽ tăng cường giới hạn đi lại, đặc biệt là trong dịp Giáng Sinh và năm mới”, bà Tarmizi nói và cho hay rằng vợ bệnh nhân trên đã âm tính với Omicron.
Trước đó vào ngày 16.12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi người dân tuân thủ các khuyến cáo về y tế, sau khi một nhân viên tại một bệnh viện cách ly ở Jakarta nhiễm Omicron. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 47 ca nhiễm Omicron trong tổng số hơn 4,2 triệu ca nhiễm Covid-19, với 144.000 ca tử vong.
Mỹ rút ngắn thời gian cách ly Covid-19 giữa sóng Omicron |
Tại Singapore, theo Đài Channel NewsAsia, Bộ Y tế nước này ngày 27.12 ghi nhận thêm 280 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 134 ca nhập cảnh, nâng tổng số lên 278.044 ca nhiễm. Cùng ngày, Singapore ghi nhận thêm 3 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, nâng tổng số lên 825.
Riêng về Omicron, Bộ Y tế Singapore cho hay nước này trong ngày 27.12 ghi nhận thêm 101 ca nhiễm, trong đó có 79 ca nhập cảnh. Theo đồng chủ tịch lực lượng liên ngành về phòng chống Covid-19 Lawrence Wong, Singapore đã làm tất cả những gì có thể để đối phó làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Ông Wong cho rằng việc Omicron lây trong cộng đồng như tại nhiều nước khác là điều không thể tránh khỏi. Singapore đã có cách tiếp cận thận trọng để có thời gian làm chậm sự lây lan của Omicron và có thể hiểu hơn về biến thể này.
Theo ông, biến thể này lây lan mạnh hơn nhưng không gây bệnh nặng như Delta, trong khi các vắc xin hiện có và liều tăng cường có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng.
Theo quy định mới, áp dụng từ ngày 27.12, Singapore sẽ không cách ly riêng những ca nhiễm Omicron và cho phép họ hồi phục tại nhà hoặc các cơ sở chăm sóc cộng đồng, cũng như những bệnh nhân Covid-19 khác.
Những trường hợp tiếp xúc gần sẽ được cảnh báo nguy cơ về sức khỏe trong 7 ngày, thay vì cách ly 10 ngày.
Tại Philippines, Bộ Y tế cho hay chính phủ đã sẵn sàng đối phó biến thể Omicron, sau khi ghi nhận ca nhiễm thứ 4, tất cả đều là các ca nhập cảnh.
Giới chức y tế nước này cũng trấn an rằng nhiều người đã tiêm chủng so với khi đối phó biến thể Delta, đồng thời hy vọng sẽ kiểm soát được tình trạng gia tăng số ca nhiễm Covid-19.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho hay nước này đã ghi nhận 62 ca nhiễm Omicron, trong đó có 1 ca nghi ngờ lây nhiễm trong nước. Cơ quan y tế kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch và tiêm mũi vắc xin tăng cường theo khuyến cáo.
Tin vui từ 3 nghiên cứu: nhiễm Omicron, nguy cơ nhập viện có thể thấp hơn |
Tại Campuchia, cơ quan chức năng ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Omicron vào ngày 28.12, nâng tổng số lên 33 ca nhiễm biến thể này trên cả nước.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh dự kiến sẽ phát động lần 2 chiến dịch tiêm liều tăng cường vắc xin Covid-19 vào ngày 3.1.2022, sau khi chiến dịch lần 1 từ ngày 11.10 đạt hiệu quả thấp. Campuhcia đã tiêm khoảng 3,28 mũi vắc xin tăng cường, chiếm khoảng 19,34% dân số.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế cho biết quy định cách ly tại nhà có thể được áp dụng cho hầu hết các trường hợp nhiễm Covid-19, trong bối cảnh nước này đối phó biến thể Omicron.
Theo báo The Thaiger, Thái Lan đã ghi nhận 514 ca nhiễm và nghi nhiễm Omicron, với các ca nhiễm được ghi nhận tại 14 tỉnh.
Quan chức Kiattibhoom Vongrachit tại Bộ Y tế Thái Lan cho hay nước này có đủ giường bệnh để đáp ứng nếu xảy ra đợt dịch mới và sẽ nâng tổng số giường lên 200.000 như khi đối phó biến chủng Delta, nếu cần thiết.
Bình luận (0)