Bão Vàm Cỏ một lần nữa vạch mặt việc trồng cây sai quy trình (còn nguyên bọc rễ) ở Đà Nẵng, nó giống hệt chuyện ở Hà Nội hồi tháng 6.2015. Sau cơn giông lớn, hàng loạt cây mới trồng ở một tuyến đường mới của Hà Nội bật gốc, lộ nguyên bầu, khiến rễ cây không thể phát triển, còi cọc và gãy đổ khi gió lớn.
>> 'Trồng cây để nguyên bầu' ở Hà Nội: Bao giờ mới hết chuyện lạ kỳ này ?
>> Sở Xây dựng Hà Nội cũng không biết 'cây trồng nguyên bầu'
>> Trách nhiệm với môi trường sống của dân
>> Sở Xây dựng Hà Nội cũng không biết 'cây trồng nguyên bầu'
>> Trách nhiệm với môi trường sống của dân
Không biết rồi Đà Nẵng sẽ xử lý với việc này như thế nào, nhưng “kinh nghiệm” ở Hà Nội là: thừa nhận đó là việc làm sai quy trình, sai kỹ thuật, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu “kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của đơn vị thực hiện”. Nhưng sau đó là im lặng, không có bất kỳ thông tin nào được công bố về việc đã làm rõ trách nhiệm đến đâu, ai phải chịu trách nhiệm, dù báo chí đã nhiều lần đề cập.
Lý do thời tiết, thiên tai thường được mang ra để lý giải cho nhiều chuyện từ đường sụt lún, sập công trình mới xây, đổ trạm thu phát sóng đến nứt đập thủy điện.
Nhưng cũng chính nhờ thời tiết mà sớm lộ diện những sai phạm trong quá trình thi công và thực hành công vụ. Nhờ giông bão mới vạch mặt sự làm ăn gian dối của công ty môi trường đô thị trong trồng cây, nhờ nắng nóng vạch ra sai sót trong thiết kế dẫn đến chất lượng mặt đường QL1 không đảm bảo… Có người nói, trong cái rủi lại có cái may, dù sao thiên tai cũng giúp sai phạm lộ diện, bởi lộ diện càng sớm thì thiệt hại càng giảm. Nhưng buồn lắm vì cứ phải “ơn giời” mới phát hiện sai phạm thế này.
Làm thế nào để mưa, gió, nắng nóng không phải trở thành cơ quan giám sát bất đắc dĩ, lật tẩy những yếu kém trong đầu tư công?
Có gì buồn hơn, khi chúng ta có hệ thống các cơ quan chức năng giám sát liên tục từ trung ương đến địa phương, nhưng cứ phải nhờ đến “ông giời” mới phát hiện ra sai phạm của các đơn vị thi công một cách vô tình như thế.
Cơ chế tự giám sát, tự phát hiện của các cơ quan quản lý đang vận hành như thế nào là điều rất đáng bàn.
Để không lặp lại sự việc đáng buồn, thì từ những sự việc cụ thể, những sai phạm “ơn giời” lộ diện ấy, các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc tích cực, truy tìm nguyên nhân và xử lý sai phạm dứt điểm. Đồng thời phải nâng cao năng lực giám sát của các cơ quan chức năng. Tránh tình trạng đáng buồn, các vụ tham nhũng bị lộ diện hầu hết đều do người dân, báo chí phản ánh, tố cáo, cấp trên chỉ đạo hoặc “ơn giời” vạch mặt. Gần như không có việc tự phát hiện của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Bình luận (0)