Hôm nay, 19.9, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiệp vụ nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo dục mầm non. Buổi bồi dưỡng được tổ chức trực tuyến, kết nối dữ liệu từ Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh TP.HCM tới 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, với sự tham gia của gần 7.000 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên tổng số 26.000 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non toàn thành phố.
Trong chương trình, trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, mang tới những thông tin đáng chú ý về phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em và các quy định pháp luật liên quan.
Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em
Trung tá Bùi Thái Đức cho biết TP.HCM hiện có khoảng 1,9 triệu trẻ em (19% dân số); hơn 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 25.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, năm 2023, thành phố xảy ra 186 vụ xâm hại tình dục, bạo hành, bạo lực trẻ em với 196 nạn nhân (57 nam, 139 nữ), trong đó có 155 vụ xâm hại tình dục và 16 vụ liên quan đến bạo lực, bạo hành. Con số này của các năm 2022 và 2021 lần lượt là 147 và 114 vụ. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, thành phố đã xảy ra 45 vụ với 46 nạn nhân (4 nam, 42 nữ). Trong đó, riêng về xâm hại tình dục chiếm đến 40 vụ.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố của Sở, các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và TP.Thủ Đức đã ghi nhận năm 2023 xảy ra 10 vụ việc bạo hành trẻ em. Trong 9 tháng năm 2024 xảy ra 5 vụ việc.
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối sau mái ấm tình thương - Kỳ 1: Nỗi bất hạnh của trẻ sơ sinh
Trong buổi bồi dưỡng với sự tham gia của gần 7.000 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non của 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM), trung tá Bùi Thái Đức điểm lại những vụ bạo lực, bạo hành trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận thời gian qua và nhấn mạnh "Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em".
Như vụ Nguyễn Trung Huyên, hành nghề thợ mộc, đã hành hạ cháu bé 3 tuổi - con riêng của người tình - bằng cách đổ keo dán gỗ vào mũi đến khi cháu sặc mới dừng lại; pha thuốc diệt cỏ với nước ngọt rồi cho cháu uống; bắt cháu nuốt đinh vít; đánh đập khiến cháu gãy xương tay, tổn hại 21% sức khỏe. Hắn đóng 10 chiếc đinh dài hơn 2 cm vào đầu cháu bé. Cháu bé sau đó đã tử vong. Nguyễn Trung Huyên đã bị tuyên án tử hình.
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 2: Hành hạ không thương tiếc
Trung tá cũng nhắc lại vụ án hành hạ trẻ em chấn động trong xã hội - bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang, 26 tuổi hành hạ bé An (8 tuổi), con riêng của người tình Nguyễn Kim Trung Thái. Đỉnh điểm là ngày 22.12.2021, trong lúc Thái đi làm, Trang đã liên tục đánh cháu bé khiến nạn nhân bất tỉnh sau đó tử vong. Dù Thái đã xóa camera nhưng cơ quan điều tra đã khôi phục dữ liệu camera, cho thấy Trang đã đánh con riêng của Thái trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã bị tuyên án tử hình.
Hay bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh, 31 tuổi, quê Đồng Tháp đã lãnh án chung thân vì đánh bé gái 6 tháng tuổi tử vong, bảo mẫu này dùng tay đánh liên tiếp vào đỉnh đầu bé trai 6 tháng tuổi do quấy, khóc khi ăn, thay tã...
Những hình ảnh, video clip hành hạ trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng, Q.12, liên quan loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" của Báo Thanh Niên cũng được trung tá Bùi Thái Đức điểm lại trong nội dung sáng nay. Hai bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 3: Tuổi thơ bị ‘đầu độc’
Làm giáo dục thì cần có tâm, có tầm, có tình yêu thương với trẻ
Buổi bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiệp vụ nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hôm nay còn có sự tham gia từ luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay bạo lực, bạo hành trẻ em không chỉ là đánh đập trẻ, mà còn là bạo lực về tinh thần, tâm lý, tình cảm, tình dục. Bà Nữ đau xót kể lại những lần chứng kiến những vết thương trên cơ thể các em nhỏ bị bạo hành, nghe các em kể việc bị cha dượng, người tình của cha/của mẹ bạo hành, xâm hại. Và đỉnh điểm của sự đau đớn chịu không nổi khi xem các hình ảnh được cán bộ điều tra khôi phục dữ liệu từ camera căn hộ của Nguyễn Kim Trung Thái, thấy Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh dã man bé An (8 tuổi) trong liên tục 4 tiếng đồng hồ...
"Tôi muốn nói với các thầy cô giáo rằng khi làm giáo dục, bắt buộc cần phải có tấm lòng, có tâm, có tầm, phải xuất phát từ tình yêu thương trẻ em. Trong cuộc sống, ai cũng có áp lực, cũng có những lúc nóng nảy, nhưng ngay lúc đó, các thầy cô hãy bước ra khỏi phòng đi, bước ra khỏi lớp, đi ra ngoài cho lòng dịu xuống rồi hãy trở lại lớp, tâm trạng các cô sẽ khác ngay", bà Nữ chia sẻ.
"Ngày thường các thầy cô vào lớp thấy đứa trẻ luôn vui vẻ, chào hỏi các cô. Nhưng một hôm, các cô vào lớp và thấy một học trò bỗng nhiên rúm ró, sợ hãi, hay bỗng nhiên tư thế ngồi bị lệch sang một bên như bị đau đớn gì đó, các cô cần phải chú ý xem em đó có vấn đề gì không, biết đâu em đã phải chứng kiến bạo lực trong gia đình, hoặc là nạn nhân của bạo lực, bạo hành. Thầy cô đừng nghĩ là các em đang bị bệnh, bị ốm mệt thôi và không quan tâm gì các em. Thầy cô cần tinh tế, hãy yêu thương, quan tâm tới các em nhiều hơn", bà Nữ trao đổi.
Đồng thời, luật sư Nữ cũng cho rằng trong môi trường lớp học, nhà trường, khi các thầy giáo, cô giáo thấy em nhỏ này bỗng nhiên đánh bạn, nói tục, chửi thề, hãy đừng lập tức quy kết rằng các em hư hỏng, quậy phá. Hãy dành thời gian tìm hiểu sâu xa hơn cuộc sống của các em, những hành vi của các em có thể do nguyên nhân xuất phát từ gia đình, từ việc chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ đó, các giáo viên thêm yêu thương trẻ, hỗ trợ trẻ, bảo vệ trẻ, tạo ra môi trường an toàn, nơi trẻ có thể phát triển toàn diện và hạnh phúc...
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 4: Nhẫn tâm trục lợi
Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại buổi bồi dưỡng hôm nay, 19.9, trung tá Bùi Thái Đức chỉ ra những hành vi bạo lực trẻ em nào sẽ bị xử phạt hành chính và những hành vi bạo hành nào nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, bao gồm các tội sau:
(Điều 134) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
(Điều 128) Tội vô ý làm chết người;
(Điều 123) Tội giết người;
(Điều 140) Tội hành hạ người khác.
Đáng chú ý, trung tá Đức cho biết người có hành vi cố ý đánh đập gây thương tích cho trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một số trường hợp có thể phải chịu xử phạt về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Bình luận (0)