Tự lên kế hoạch ôn tập
Hiện Việt Nam có những kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ tuyển sinh gồm: hai kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội; kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; bài kiểm tra ĐGNL TestAS của Trường ĐH Việt Đức; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội và kỳ thi của các trường thuộc Bộ Công an. Các kỳ thi này sẽ có lịch thi và thời gian đăng ký khác nhau.
Nhiều học sinh đã tự lên chiến lược ôn tập vì dễ dàng tìm được đề thi của những năm trước trên mạng hay nghe giảng trực tuyến để củng cố kiến thức.
Quyết định thi ĐGNL kể từ học kỳ 2 của lớp 11, Phan Đinh Ngọc Hân (học sinh lớp 12 Trường THPT Trị An, tỉnh Đồng Nai) có kế hoạch học nhóm cùng bạn bè để ôn tập, giải đề xuyên tết.
Không ít học sinh ôn luyện xuyên tết để chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL năm 2023 |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
"Phần khó nhất là vật lý và sinh học vì nhiều có kiến thức phức tạp nên trước mắt, em sẽ học kỹ phần lý thuyết nền tảng của 2 chuyên đề này rồi mới chuyển sang vận dụng. Ngoài ra, em có mua sách ôn tập như giải mã 990+ về ngôn ngữ và toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề để tham khảo và ôn luyện thêm", Ngọc Hân nói.
Cũng dự định thi ĐGNL từ cuối năm lớp 11, Q.H (học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳnh Lưu 3, Nghệ An) đang chuyên tâm học môn toán vì đây là phần có kiến thức rộng nhất, yêu cầu tư duy cũng như chiếm điểm nhiều nhất.
Nữ sinh này không tham gia vào các lớp luyện thi vì đề ĐGNL rất rộng, chủ yếu dựa vào tư duy nên việc luyện đề và có hướng dẫn cũng chưa chắc khả thi. "Thay vào đó, em tìm kiếm tài liệu ôn tập trên mạng xã hội. Em tự học riêng từng chuyên đề và ôn lại kiến thức lớp 10 và 11", Q.H nói về kế hoạch học tập.
Trước kỳ thi ĐGNL diễn ra vào tháng 3, Q.H cho biết sẽ đẩy mạnh ôn luyện trong dịp tết. "Em sẽ cố gắng tổng hợp hết kiến thức chậm nhất là vào cuối tháng 1. Mục tiêu của em là đạt được 100+ (điểm tối đa của kỳ thi ĐGNL ĐHQG Hà Nội là 150-NV)", nữ sinh nói.
Còn L.N (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) chọn thi ĐGNL chỉ để kiểm tra kiến thức (N. thi ngành y khoa của Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch nhưng trường không xét tuyển phương thức này).
Đặt mục tiêu khoảng 800-900 điểm, L.N cho rằng: "Lịch sử sẽ là môn khó khăn vì cần phải ghi nhớ nhiều mốc thời gian và sự kiện. Trong dịp tết, em cũng sẽ đẩy mạnh ôn tập các môn toán, hóa học, sinh học cũng như giải một số đề ĐGNL tìm được trên mạng".
Không tham gia lớp luyện thi ĐGNL, L.N cho hay, áp lực chắc chắn phải có nhưng không quá lớn. Nữ sinh nói thêm: "Lượng kiến thức của học kỳ 1 chưa đủ để thi ĐGNL mà phải cần thêm kiến thức của học kỳ 2 và kiến thức cũ ở lớp 10, 11. Thay vì đi chơi dịp tết, em sẽ lên mạng tìm hiểu trước các bài học của học kỳ 2 hoặc xem các sơ đồ tư duy về những bài học đó, nghe giảng trực tuyến và tự giải đề của các năm trước", cô nói.
Nên thoải mái xem kỳ thi là nơi thử sức
Chia sẻ kinh nghiệm thi ĐGNL, Đinh Hữu Nghiêm (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh-thủ khoa ĐGNL Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với số điểm 1.009/1.200) nhận định kiến thức trong đề thi không quá khác so với chương trình học hiện tại.
“Phần câu hỏi xã hội rất dễ lấy điểm nên cần được làm trước, thí sinh chỉ cần ôn kỹ kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được. Phần thi tiếng Anh cũng cần được chú trọng vì câu hỏi không quá khác chương trình học trong lớp. Thí sinh nên phân bổ thời gian hợp lý, đừng quá tập trung vào những câu khó vì sẽ gây áp lực tâm lý”, Hữu Nghiêm chia sẻ.
Theo nam sinh viên, việc luyện đề hiện tại chỉ giúp thí sinh cân đối thời gian, làm quen cấu trúc đề thi chứ không giúp củng cố kiến thức nhiều. “Thí sinh nên hệ thống lại kiến thức sau khi luyện xong các đề, xem mình yếu phần nào thì tập trung ôn lại ngay. Hãy xem đây là lần thử sức đầu tiên, xem mình đã nắm được kiến thức tới đâu, từ đó có hướng ôn tập hiệu quả cho kỳ thi ĐGNL thứ 2 và kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, Hữu Khiêm nhận định.
Thí sinh dự thi kỳ thi ĐGNL năm 2021 |
NGỌC DƯƠNG |
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, cô Trần Thu Hà, giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết, kỳ thi ĐGNL là cơ hội thí sinh nên tham gia để hoàn thiện các kỹ năng.
"Đề thi ĐGNL là bài thi trắc nghiệm tổ hợp nhiều môn. Để tối ưu hóa việc làm bài thi, các em phải tính toán thời gian hợp lý cho mỗi phần thi; phần nào chưa giải quyết được thì để đó, quay lại làm sau", cô Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, kỳ thi ĐGNL có sự cạnh tranh cao vì nhiều học sinh lớp 12 cùng thí sinh tự do sẽ tham dự. "Đối với học sinh, việc chưa học xong chương trình lớp 12 cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả thi. Còn với thí sinh tự do, các bạn có nhiều thời gian tìm hiểu nội dung, cách thức nhưng nếu không được ôn luyện sẽ khó tiếp cận yêu cầu mới của kỳ thi", cô Hà nhận định.
Theo cô Hà, việc tự ôn tập trước sẽ rèn kỹ năng tổng hợp kiến thức và tâm lý tiếp cận kỳ thi cho thí sinh. "Với các môn ngoài sách giáo khoa, để rèn tư duy logic, học sinh phải đọc sách và tập kết nối các dữ liệu một cách khoa học. Phần phân tích số liệu, học sinh phải tìm hiểu nhiều để có sự so sánh, đánh giá xác đáng. Biện pháp ôn tập hiệu quả nhất là chịu khó đọc sách, theo dõi thông tin truyền thông trên các phương diện khác nhau", cô Hà khuyên.
Bình luận (0)