"Ngộp" vì tài liệu trên mạng
Trước các lợi ích như dễ truy cập, miễn phí, học qua tài liệu trực tuyến là hình thức được học sinh ưa chuộng.
Quyết định thi vào lớp 10 chuyên Anh, Nguyễn Bùi Hoàng Yến (học sinh lớp 9, Trường THCS Phước Bình, TP.Thủ Đức) chia sẻ, bản thân tập trung khá nhiều cho việc tìm tài liệu môn học này.
"Em có thói quen thấy tài liệu nào liên quan đến môn học thì đều lưu về nên đến nay số tài liệu lưu trữ trong bộ nhớ máy tính cũng kha khá. Tài liệu trên lớp chỉ đưa ra các dạng bài tập và đề phù hợp với hầu hết học sinh trong khối nên nếu muốn giỏi hơn thì cần tìm tài liệu bên ngoài để học thêm", Hoàng Yến cho biết.
Hoàng Yến cũng tâm sự, việc thu thập nhiều tài liệu sẽ tạo cảm giác thỏa mãn, an tâm cho học sinh.
Tuy nhiên, không ít học sinh bị "ngộp" khi lưu trữ tài liệu quá nhiều, cố gắng "nhồi nhét" kiến thức vì thấy cái nào cũng hữu ích.
Chẳng hạn, H.B.N. (học sinh lớp 9, Trường THCS Khánh Bình, TP.HCM) cho biết thường lưu tài liệu trên mạng các môn chính như toán, ngữ văn và tiếng Anh để ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh 10 sắp tới.
"Vì sợ học chưa đủ kiến thức nên em lưu về rất nhiều tài liệu từ các hội nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, em không thể sử dụng hết vì quá nhiều, thậm chí có một số cái chưa mở ra xem do còn có tài liệu trên lớp. Dù vậy, mỗi ngày lên mạng, em lại tiếp tục tải tài liệu mới vì lo ngại sẽ bỏ lỡ kiến thức cần thiết", B.N. chia sẻ.
Nguy hại từ tài liệu không mất phí
Một số trang, hội nhóm yêu cầu học sinh nhấn thích và chia sẻ bài đăng để tải tài liệu miễn phí nhằm truyền tải kiến thức rộng rãi. Tuy nhiên, một số trang lại lợi dụng việc tải tài liệu miễn phí để tăng tương tác, thu thập thông tin cá nhân của học sinh.
Trong một lần tìm tài liệu tiếng Anh trên mạng, H.B.N kể đã điền thông tin như email, số điện thoại và sau đó nhận được một số cuộc gọi từ số lạ. "Em nhận được các cuộc gọi quảng cáo về khóa học tiếng Anh, mời tham gia sự kiện trải nghiệm tại trung tâm hoặc mời mua bảo hiểm. Em cảm thấy khá phiền khi nhận được các cuộc gọi lúc đang học bài hay bận việc cá nhân", B.N. chia sẻ.
Đồng quan điểm, Quỳnh Giang (học sinh lớp 9, Trường THCS Khánh Bình, TP.HCM) cho hay, bản thân đã gặp một số trang muốn lợi dụng việc học sinh, sinh viên cần tài liệu để tăng lượng tương tác. "Tài liệu thì nhiều mà cái thật sự cần thiết hay hữu ích thì không được bao nhiêu. Họ chỉ muốn nhiều lượt like, share mà không quan tâm chất lượng kiến thức", Giang nói.
Cần vững kiến thức trên lớp trước khi sử dụng tài liệu trực tuyến
Một số đề cương tham khảo trực tuyến không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sai kiến thức hoặc không cần thiết. "Do đó, học sinh cần biết phương pháp tra cứu, biết cách chọn lọc thông tin và xác định thông tin chính thống để chọn được tài liệu, đề cương phù hợp", thầy Trần Văn Đạt (tổ trưởng môn địa lý, Trường THCS Tùng Thiện Vương, Q.8, TP.HCM) lưu ý.
Thầy Đạt khuyên học sinh nên truy cập vào những nguồn tài liệu, website có uy tín, nguồn gốc rõ ràng hoặc nhờ thầy cô giới thiệu.
Bên cạnh đó, thầy Đạt lưu ý học sinh không nên mải lo làm bài tập nâng cao, đề cương tải về từ mạng mà xem nhẹ bài tập trên lớp. "Giáo viên cho tài liệu học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nội dung trọng tâm, năng lực của các em. Trong khi đó, kiến thức trên mạng là chung chung và có thể là không chính thống, không đáng tin cậy", thầy Đạt chia sẻ.
Chính vì vậy, theo thầy Đạt, học sinh cần tập trung nắm vững kiến thức trên lớp trước, sau đó tham khảo tài liệu trực tuyến theo định hướng của giáo viên và biết cách "lọc biển" đề cương hợp lý.
Cách chọn lọc tài liệu hiệu quả
Nói về cách chọn tài liệu, Nguyễn Bùi Hoàng Yến (học sinh lớp 9, Trường THCS Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thường tìm qua những nguồn uy tín như các nhóm nổi tiếng trên Facebook hoặc website được bạn bè gợi ý.
"Sau tải về máy, em chỉ chọn tài liệu phù hợp nhất, in ra những cái thật sự cần thiết. Em thường chọn những tài liệu có nhiều dạng bài nâng cao, tránh dành quá nhiều thời gian cho các đề, dạng bài đơn giản mà bản thân đã quen thuộc", Yến nói.
B.N (học sinh lớp 9, Trường THCS Khánh Bình, TP.HCM) thì chọn cách ghi chú rõ ràng để phân loại tài liệu quan trọng, tránh lãng phí thời gian. Học sinh này cũng thường tạo các thư mục riêng cho từng môn học để tránh nhầm lẫn và sắp xếp theo tên, theo ngày khi lưu trữ để có kế hoạch học hợp lý.
Bình luận (0)