'Ông bà anh' tình 60 năm giữa Sài Gòn: Chia đôi cơm ăn, nấu cơm giặt đồ cho vợ

14/12/2020 12:36 GMT+7

Gần 80 tuổi, ông Tư vẫn đi bán vé số, nhặt ve chai để kiếm tiền. Ngày nào bà Lân khỏe ông mới dám lấy nhiều vé số, ngày nào bà bệnh nặng ông nghỉ bán ở nhà chăm sóc, nấu cơm, giặt đồ cho vợ.

Đi vào hẻm 380 Lê Văn Lương (Q.7, TP.HCM) hỏi ông Tư bán vé số không ai là không biết người đàn ông bán vé số và nhặt ve chai đã mấy chục năm qua, ông sống cùng vợ tại một căn phòng trọ cuối hẻm. Nên duyên vợ chồng từ năm 1959 đến nay, ông Nguyễn Văn Giác (78 tuổi) hay được mọi người gọi là ông Tư bán vé số bà Phạm Thi Lân (76 tuổi) đã có 60 năm ở cùng nhau, không có con cháu, ông bà vẫn yêu thương hạnh phúc những ngày tuổi già.

Chia nhau phần cơm nguội

Trở về nhà sau một buổi lang thang bán vé số bên ngoài, ông Tư vẫn ân cần xuống bếp rót cho bà Lân ly nước, quàng khăn cho bà vì sợ bà bị lạnh. Trước đây khi còn khỏe bà Lân cũng đi làm thuê một thời gian sau đó ở nhà nội trợ, lo cơm nước và việc nhà. Nhiều tháng nay bà Lân bệnh nặng không đứng lâu được và thường xuyên phải di chuyển đến bệnh viện để khám bệnh và chích thuốc.

Ông Tư và bà Lân sống nương tựa vào nhau mà không có con cái

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Tư kể, vì không đi học nên ông đi phụ hồ từ khi còn nhỏ, bà Lân cũng đi phụ hồ nên gặp nhau. Hai người nên duyên, tổ chức đám cưới đơn giản rồi về ở với nhau đến giờ. Ở Sài Gòn đã lâu, ông bà vẫn chật vật sống trong căn phòng trọ chật chội. Ông Tư tâm sự, có được chỗ ở này là tốt lắm rồi, trước đây ông bà ở trong căn phòng nhỏ hơn nhiều khi muốn duỗi chân còn không được. Căn phòng hiện tại được ông bà đang thuê với giá 1,4 triệu đồng một tháng.
Mỗi ngày ông Tư đi khỏi nhà từ sớm, lang thang để bán vé số còn lại của ngày hôm trước. Mỗi ngày ông Tư bán khoảng 150 tờ vé số, chiều 17 giờ ông đi bán đến 20 giờ còn bao nhiêu sáng hôm sau đi bán tiếp. Bán hết vé số, ông Tư đi lượm ve chai gom lại khoảng 10 ngày bán một lần.

Ông Lân làm hết công việc trong nhà

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Già rồi nên cũng chỉ kiếm sống qua ngày, mùa dịch Covid-19 này bán chậm lắm, ve chai giờ cũng rẻ. Mình đi bán cũng phải mang khẩu trang chứ không mang khẩu trang không ai dám kêu mình để mua vé số”, ông nói.

Ông đi bán vé số nhưng vẫn tranh thủ về sớm để chăm sóc vợ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Kể từ khi bà Lân bệnh nặng, ông Tư vẫn đi bán vé số, đi nhặt ve chai nhưng tranh thủ về sớm chăm sóc, lo cơm nước cho bà. Hôm nào bà Lân khỏe ông Tư mới lấy nhiều vé số để đi bán, ngày nào bà Lân bệnh, ông Tư chỉ dám lấy 100 vé.
Mỗi tuần từ thứ 4 đến thứ 7 sẽ có cơm được cho trợ cấp, còn những ngày còn lại ông bà tự nấu ăn. Những ngày được phát cơm, ông bà chia nhau 1 phần cơm ăn buổi trưa rồi để 1 phần lại ăn buổi tối. “Có ngày ông đi bán vé số về trễ, tôi ở nhà tự nấu cơm nhưng vừa cầm nồi cơm lên vừa vo gạo là đã bủn rủn chân tay nên đành phải bỏ nồi cơm, ăn cơm nguội”, bà Tư kể lại.

“Không có bà chắc tôi buồn lắm”

Thấy ông bà không con cháu bầu bạn, sợ ông bà buồn nhiều người tới thăm để lại cho ông bà một chiếc radio để ông bà đỡ buồn. Đồ đạc trong nhà ông bà đa số cũng là người ta cho lại. Chiếc radio đã cũ những vẫn còn nghe rất tốt.
Chuyển kênh nghe thông tin xổ số, ông Tư trầm ngâm: “Mình bán vé số nên giờ nghe vậy thôi chứ cũng không hiểu gì mấy. Mình sống qua ngày đoạn tháng thôi tới đâu hay tới đó, tôi đi bán rồi về nhà chứ cũng không có đi đâu, cũng may vẫn còn bà nó và cái radio này bầu bạn”.

Ông rất quý chiếc radio vì cũng có cái để bầu bạn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Lân không tiện đi lại chỉ nằm nghỉ một chỗ. Ngoài chăm sóc bà, ông Tư còn giặt quần áo, nấu cơm dọn dẹp nhà cửa thay bà Lân sau khi đi bán vé số về. Ngoài bị bệnh, bà Lân còn bị lãng tai, mỗi lần nghe ai nói gì, ông Tư đều nói lại thật lớn cho bà nghe.

Sau một ngày đi lang thang bán vé số ở ngoài ông Tư vẫn ân cần chăm sóc bà Lân

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bằng khen mừng thọ được ông Tư treo cẩn thận ở trong nhà

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Hồi xưa tổ chức đám cưới đơn sơ, cái số của mình không có con thì mình chịu thôi. Hơn mấy chục năm qua không thay đổi gì, sống chung thì cũng có cãi qua cãi lại vậy thôi chứ vẫn thương nhau lắm. Gia đình tôi giờ chỉ có nhiêu đây cũng không có ai tới lui. Tết cũng ở lại đây chứ không biết đi đâu, hai người bầu bạn với nhau, nếu không có bà nó chắc buồn lắm”, ông bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ nhà trọ và cũng là hàng xóm lâu năm của ông Tư chia sẻ bà ở cạnh ông bà Tư đã mấy chục năm. “Hai ông bà ở hiền lành ít khi gây sự với ai. Ông bà rất thương nhau, bà bị bệnh nên ông làm hết việc trong nhà. Mỗi lần bệnh là phải thuê xe ôm chở bà Lân lên bệnh viện, mỗi lần đi lên đi về mất 100.000 đồng tiền xe ôm”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.