Ông Ba... đờn dừa

26/07/2014 09:19 GMT+7

Ông Võ Văn Bá (Ba Bá, ở xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre) đang có trong tay hơn 50 nhạc cụ dân tộc làm bằng dừa. Ông nói: “Làm xong bộ sưu tập nhạc cụ bằng dừa tôi sẽ chuyển sang làm nhạc cụ bằng tre. Vì đây là 2 loại cây làm nên dáng hình quê hương, xứ sở”.

Ông Ba... đờn dừa

 Ông Ba Bá biểu diễn nhạc cụ dừa - Ảnh Giao Hòa

Đam mê chế tác

Ông Ba Bá kể người đầu tiên nảy ra ý tưởng làm nhạc cụ bằng dừa là nhạc sĩ Lê Dân, một gương mặt thân quen của giới văn nghệ Bến Tre. Lúc đầu, cũng chỉ tính đơn giản là làm ra mô hình các nhạc cụ dân tộc bằng gỗ dừa để đem trưng bày tại Festival dừa do tỉnh Bến Tre tổ chức vào tháng 4.2012. Nhưng qua quá trình chế tác, vị nhạc sĩ trên với sự góp sức của ông, đã đặt ra mục tiêu cao hơn là làm nên những nhạc cụ thực thụ để có thể sử dụng trình tấu.

Sau nhiều tháng miệt mài lao động, tuyển chọn gỗ từ những cây dừa lão (khoảng 40 năm tuổi), 2 ông đã hoàn thành được một bộ nhạc cụ bằng gỗ dừa khá ưng ý. Bộ nhạc cụ này được sử dụng để trình tấu thành công các tiết mục mở màn cho Festival dừa Bến Tre, được công chúng thích thú và giới chuyên môn khen ngợi. Sau đó, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là bộ nhạc cụ dân tộc bằng gỗ dừa đầu tiên tại Việt Nam.

“Cây dừa gắn bó với người dân Bến Tre như thế nào khó có thể nói hết được. Người ta uống nước dừa, ép dầu dừa, làm kẹo, làm bánh phồng; gỗ dừa dùng làm nhà cửa, đóng tủ bàn, làm đũa ăn cơm; tàu dừa thì làm củi, làm chổi cọng dừa… nên việc sử dụng gỗ dừa làm nhạc cụ cũng là điều lý thú”, ông Ba Bá chia sẻ.

Sau đó, ông Bá tiếp tục thử nghiệm sử dụng gáo dừa, vỏ dừa, mo nang dừa để chế tác ra hàng chục nhạc cụ như đờn gáo, đờn kìm, đờn sến… Ông kể, để sử dụng vỏ dừa làm thùng đàn, phải chọn những trái dừa thật khô, cưa bỏ phần đầu sau đó đục bỏ phần gáo, tiếp nữa là khoét hết phần xơ trong ruột, chỉ để lại một lớp mỏng khoảng 0,5 cm sát vỏ của trái dừa. Phần vỏ này sau đó được xử lý, sơn phết bằng các loại sơn, keo chống mốc trước khi được ráp vào các bộ phận khác để làm nên một cây đờn hoàn chỉnh.

Trả ơn cây dừa

Theo lời ông, suốt 2 năm ròng, ngày nào ông cũng đục đục đẽo đẽo, rồi chế tác và nghe thử. Sau đó, ông ngồi ngẫm nghĩ, nghiên cứu... Gần như suốt ngày ông dành hết thời gian để làm đờn dừa. Kết quả là đã cho ra mắt được bộ nhạc cụ trình làng tại Festival đờn ca tài tử tổ chức tại Bạc Liêu vào tháng 4 vừa qua. Niềm động viên lớn đối với ông là bà con xung quanh rất thích những chiếc đờn dừa do ông làm ra. Hầu như ai cũng biết đến “ông Ba làm đờn dừa” nên việc hỏi đường đến nhà ông không mấy khó khăn. Để giới thiệu sản phẩm, ông cầm từng cây đờn lên đánh thử cho chúng tôi nghe một vài giai điệu, hết cây này đến cây khác, với cử chỉ, dáng vẻ nhanh nhẹn hơn nhiều so với cái tuổi 72 của ông.

Mấy năm nay, ông Bá đã chuyển qua ở luôn căn nhà nhỏ nơi đang trưng bày, bảo quản nhạc cụ. Ông nói ở vậy cho dễ, khỏi làm phiền tới người thân, con cháu trong nhà. Ông Bá cho biết ông làm chủ yếu vì ham vui, thêm nữa là muốn làm gì đó lạ, độc để vừa được chơi nhạc, vừa trả ơn cho những hàng dừa, những rặng tre đã từng cưu mang mình. Và ông chia sẻ thêm rằng mình làm để chơi vậy thôi, chứ không mua bán, kinh doanh, cũng chưa có ý định đăng ký bản quyền, sở hữu gì hết. “Tui có tặng gần chục cây đờn cho anh em, những người tri âm tri kỷ, trong nước có, ngoài nước có. Nhiều anh em cũng góp ý, động viên tôi tiếp tục công việc. Có người còn đem gỗ thông tận Canada về để tặng tôi làm thùng đờn”, ông Bá tâm sự.

Khoa Chiến - Giao Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.