“Tôi đã quyết định từ bỏ giấc mơ của mình là thay đổi chính trị và đạt được sự đoàn kết quốc gia”, ông Ban tuyên bố tại một cuộc họp báo ở quốc hội Hàn Quốc, theo tờ The Korea Times. “Tôi rất thất vọng về một số chính trị gia tỏ thái độ hẹp hòi và lỗi thời nên tôi kết luận rằng gia nhập với họ chẳng có ý nghĩa gì”, ông Ban nhấn mạnh.
Đây bị xem là một cú sốc đối với những người ủng hộ cũng như các trợ lý của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vì trước đó ông đã nỗ lực liên lạc với cử tri và chủ động gặp nhiều chính trị gia.
Theo The Korea Times, ông Ban đã gặp khó khăn khi mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách lập liên minh với các lực lượng chính trị khác. Trước đó, ông tỏ dấu hiệu có thể gia nhập một đảng chính trị nhưng không được chào đón. Ngay cả đảng Barun, do những nghị sĩ ly khai khỏi đảng Saenuri cầm quyền thành lập, từng muốn ông Ban gia nhập, nhưng gần đây đã trở nên thờ ơ khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống.
Tỷ lệ ủng hộ ông Ban từng đứng nhất nhì trong một số cuộc thăm dò ý kiến với hơn 30%, trước khi ông trở về nước vào ngày 12.1 sau 10 năm làm việc tại Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm nhanh trong 3 tuần qua và khoảng cách giữa ông với ứng viên tổng thống tiềm năng hàng đầu là cựu chủ tịch đảng Minjoo đối lập Moon Jae-in ngày càng mở rộng. Một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Ban là 13,1% trong khi con số dành cho ông Moon là 32,8%.
Giới quan sát cho rằng tỷ lệ ủng hộ ông Ban giảm là do một phần ông đã mắc phải hàng loạt sai lầm trong chuyến công du khắp đất nước nhằm gây ấn tượng với các cử tri, theo The Korea Times. Ông Ban còn bị đánh giá không có nhiều ý tưởng cho việc phát triển đất nước và có lập trường không rõ ràng về những vấn đề chính trị mang tính nhạy cảm.
Ngoài ra, những cáo buộc về hối lộ xung quanh cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và người thân cũng khiến ông gặp bất lợi. Một tài liệu được công bố hồi tuần rồi cho thấy chính phủ Mỹ đã đề nghị Bộ Tư pháp Hàn Quốc bắt giữ em trai của ông Ban Ki-moon là ông Ban Ki-sang với cáo buộc hối lộ, khiến dư luận Hàn Quốc nổi giận và nhiều người không muốn tiếp tục ủng hộ ông Ban, theo The Korea Times. Ông Ban Ki-sang và con trai của ông là Ban Joo-hyun bị khởi tố tại Mỹ về cáo buộc âm mưu đưa hối lộ liên quan đến thương vụ bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 ở Hà Nội hồi năm 2015.
Bên cạnh đó, một tạp chí Hàn Quốc từng loan tin ông Ban Ki-moon nhận hối lộ 230.000 USD từ một doanh nhân địa phương khi ông còn giữ chức ngoại trưởng trong thập niên 2000. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon bác bỏ cáo buộc và dọa sẽ kiện tạp chí này.
Sau khi ông Ban Ki-moon đưa ra tuyên bố trên, các đảng phái chính trị đã có phản ứng khác nhau. Trong đó, đảng Nhân dân tuyên bố: “Đó là điều bất ngờ nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của ông ấy”. Đảng Saenuri cầm quyền thì cho rằng việc rút lui của ông Ban “gây sốc” và cũng là “sự xấu hổ vì chúng ta mất một nhân vật lớn do những cuộc tấn công chính trị”. Còn cựu chủ tịch đảng Minjoo đối lập Moon Jae-in bày tỏ với giới phóng viên: “Lấy làm tiếc vì tôi từng mong sẽ có cuộc cạnh tranh lành mạnh với ông ấy. Tôi tin rằng sẽ có nhiều cách để ông ấy làm việc vì đất nước hơn là chính trị, chẳng hạn như trong lĩnh vực ngoại giao”.
Bình luận (0)