Ông bán vé số tự nguyện chăm cụ bà 'đồng nghiệp' không nhà cửa

17/12/2018 12:06 GMT+7

Gần 10 năm qua, cụ bà bán vé số lang thang ở TP.HCM tìm được bến đỗ là căn phòng trọ của một người "lạ" cũng là "đồng nghiệp". Hai tháng nay, bà nằm liệt giường còn ông phải bỏ bán vé số để chăm bà.

Khi vô tình nhìn thấy bà Phạm Ngọc Minh (69 tuổi) nằm co ro trên vỉa hè vì bệnh, ông Trần Văn Minh (50 tuổi) người đã mang bà về căn phòng trọ của mình và tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc.

Mang “đồng nghiệp” về nhà... trọ nuôi dưỡng

Từ nhiều năm nay, ông Văn Minh và bà Ngọc Minh cùng làm nghề bán vé số mưu sinh trên mảnh đất Sài Gòn. Một người sống lang thang không nhà không cửa. Một người có hoàn cảnh "đỡ" hơn, thuê được phòng trọ tá túc mưa gió sống qua ngày.
Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện đời đầy éo le. Bà Ngọc Minh là người gốc Sài Gòn, cha mẹ mất sớm. Rồi chồng bà qua đời, con trai đầu cũng ra đi sau đó. Nỗi đau chồng chất nỗi đau.
Người con gái duy nhất của bà nghiện ngập không biết lưu lạc về đâu. Điểm tựa cuối cùng của bà là anh em họ hàng ruột thịt, nhưng mỗi người mỗi hoàn cảnh cũng không thể chăm lo cho bà. Cứ thế, mỗi ngày bà Ngọc Minh bán vé số và sống lang thang khu ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh). Tối đến bà chọn vỉa hè ngả lưng ngủ tạm qua đêm để sáng mai tiếp tục hành trình đi bán vé số.
Ngược lại, ông Văn Minh không có gia đình thân thích vì bị thất lạc cha mẹ ngay từ năm 6 tuổi. Theo những gì ông còn nhớ được, trước 1975 ông được cha mẹ gửi vào một cô nhi viện ở Sài Gòn. Sau ngày đất nước hoà bình, ông lưu lạc khắp nơi để tìm kế mưu sinh mà không có một mảnh giấy tuỳ thân. Ông từ TP.HCM xuôi về các tỉnh miền Tây, rồi quay về lại để bán vé số kiếm sống cho đến tận hôm nay.
Trong một đêm mưa gió cách đây gần 10 năm về trước, khi đi bán vé số, ông Văn Minh vô tình thấy bà Ngọc Minh nằm bất động trên vỉa hè đầy nước. Người phụ nữ gầy gò, co quắp, miệng cứng đơ, lưỡi thụt vô sâu, tay chân khều khào như muốn kêu cứu vì bị trúng gió giữa đêm mưa.  
“Thấy vậy tôi mới đến kéo áo mở lưng bà ra xem thế nào, rồi tôi cạo gió cho bà qua cơn nguy kịch. Sáng hôm sau tôi lại đến thăm bà, săn sóc, mua thuốc cho bà uống. Lúc đó tôi cũng không dám đem bà về nhà vì sợ người ta nói mình bắt cóc người già, nên thôi tôi về”, ông Minh kể lại lần đầu gặp cụ bà xa lạ cũng tên Minh.
Ông Văn Minh chấp nhận một mình nuôi dưỡng cụ bà xa lạ Nguyễn Hùng
Vài ngày sau, nhiều người ở khu chợ Bà Chiểu khuyên ông mang bà về phòng trọ sống cùng vì ông chỉ sống một mình. Động lòng thương, ông đưa bà Ngọc Minh về... nhà, tìm cách chữa bệnh cho bà. “Tôi thấy bà cụ này là một người hiền lành, thật thà, từ chỗ đó mà tôi thương bà chạy chữa bệnh cho bà. Tôi chỉ mong đem bà về khi nào bà hết bệnh rồi bà muốn đi đâu thì đi, tôi không ép”, ông nói

Tự tay nấu cơm, tắm, giặt cho người lạ

Trong con hẻm nhỏ, một chiếc giường dã chiến đầy đủ mùng mềnh để sẵn cho bà Ngọc Minh nằm tạm qua ngày. Bà bị tai nạn gãy chân trong một lần đi bán vé số nên việc đi lại vào phòng trọ cách dù vài bước chân đối với bà là không thể.
Mỗi ngày, ông Văn Minh đi chợ, tự tay nấu cơm cho bà ăn. Chuyện tắm giặt cho bà này cũng một tay ông đứng ra đảm trách. Từ thay quần áo, đến chuyện thay tả lót, đi vệ sinh cá nhân cũng do một tay ông phụ giúp.
“Tôi đâu có gì mà ngại, tôi coi bà như chị ruột của mình. Tôi không thấy ngại về chuyện đó, cũng không thấy ghê gớm gì”, ông Văn Minh chia sẻ về những lần giúp cụ bà vệ sinh cá nhân.
Tối đến, ông Minh nằm trên ghế bố cạnh giường bà để canh chừng chăm sóc. Giọng bà Ngọc Minh khều khào nói không ra lời, nhưng ông hiểu được bà muốn nói gì. Ở góc giường, ông luôn để sẵn đồ ăn, nước uống cho bà mỗi khi cần. Những hôm mưa gió ông Văn Minh thức trắng đêm phủ bạt để bà không bị ướt. Chốc lát ông quay đầu lại quay đầu trông chừng cho bà cụ ngủ. Cứ thế, công việc vất vả của ông đã diễn ra gần 2 tháng nay.
Bị tai nạn giao thông, bó bột chân nên bà Minh không làm gì được Nguyễn Hùng
“Đây chỉ là một trong những lần đau bệnh của bà cụ mà tôi chăm sóc. Về nhà trọ sống tôi cũng lo ăn uống thuốc men hằng ngày cho bà. Tôi ăn gì bà ăn đó, thậm chí tôi còn nhường đồ ăn cho bà. Có lúc không có tiền tôi phải ăn cơm với muối ớt, còn đồ ăn để cho bà. Ngày trước tôi để dành được ba bốn chục triệu, nhưng từ ngày bà về, hết tiền tôi phải đi mượn tiền vay góp để sống. Cũng may nhờ bà con chòm xóm người người kia cho chút đỉnh sống qua ngày”, ông kể lại.
Hiện tại, ông Văn Minh không thể đi bán vé số vì phải ở nhà chăm lo cho bà. Tuy vậy, ông một mực khẳng định sẽ chăm nuôi bà.
Ông Trần Văn Minh (cư ngụ tại P.8, Q.3, TP.HCM) không có gia đình thân thuộc. Ông được cha mẹ gửi vào một cô nhi viện tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, ông có đi tìm thân nhân của mình nhưng không được. Ông mất hoàn toàn giấy tờ cũng như hình ảnh về gia đình. Ông chỉ nhớ gia đình ông có hai người anh, một người chị. Ông nhớ mẹ tên Chi, cha tên Chú, chị tên Sen, anh tên Liêm, hai người em tên Chặt và Lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.