'Ông bảo tàng' trên đất Thái

17/02/2018 09:00 GMT+7

Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan có một bảo tàng đặc biệt - bảo tàng đồ chơi dân gian Đông Nam Á do Việt kiều Taweesub Namkhagonroj dày công xây dựng.

Taweesub Namkhagonroj có cha mẹ là người Việt nhưng ông chào đời và trưởng thành ở Thái Lan. Taweesub còn có tên Việt là Vinh nhưng vẫn thường được mọi người gọi là “Ông bảo tàng”. Sở hữu một trong những bảo tàng độc lạ nhất ở Bangkok, ông Vinh nâng niu gìn giữ những món đồ chơi dân gian Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á có tuổi đời từ vài thập niên đến cả thế kỷ.
Đau đáu cội nguồn
Hơn trăm năm trước, người Việt di cư sống chung trong cộng đồng phân bổ chủ yếu ở các tỉnh miền đông bắc Thái Lan, nhưng tách biệt với dân bản địa bởi chính sách phân biệt của những đời chính quyền trước đây. Tuy nhiên, điều này lại tạo hệ quả tích cực là cộng đồng Việt kiều vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống không pha tạp với những buổi sinh hoạt chung và các trò chơi dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ đó, ngoài những trò chơi của Thái, tuổi thơ của ông Vinh cũng không xa lạ với con quay (bông vụ), viên bi, hay những hòn sỏi để chơi ô ăn quan.
Một số món đồ chơi dân gian trong bảo tàng

Trả lời Thanh Niên, người đàn ông 60 tuổi chia sẻ ý tưởng thành lập bảo tàng đồ chơi dân gian bắt nguồn từ nỗi khắc khoải về hình ảnh quê hương. Dù Việt Nam không lưu giữ ký ức tuổi thơ nhưng là nơi chôn nhau cắt rốn của cha mẹ, tổ tiên ông. Ông Vinh mong muốn những đứa trẻ Việt sinh ra và lớn lên trên đất Thái luôn được nhắc nhở về dòng máu Việt chảy trong huyết quản. Và ông nghĩ ngay đến đồ chơi dân gian bởi bất kỳ đứa trẻ nào cũng có tuổi thơ gắn liền với những trò chơi.


Bà Waraphan Chaichanasiri, Giám đốc bộ phận phát triển văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thái Lan, nhận định bảo tàng không chỉ là ý tưởng sáng tạo mà còn phù hợp với suy nghĩ của cố Quốc vương Bhumibol Aduljadej. Lúc sinh thời, ông luôn khuyến khích trẻ nhỏ tiếp cận với các trò chơi dân gian Thái Lan lẫn cả ASEAN và theo ông, đó là cách tốt nhất để giáo dục lớp trẻ.


“Mỗi món đồ chơi, đặc biệt là dân gian đều có câu chuyện riêng và trẻ em có cơ hội tìm hiểu khi tiếp xúc với chúng. Vừa chơi vừa học là cách giáo dục tốt nhất đối với trẻ nhỏ, giúp hiểu biết của trẻ về văn hóa truyền thống được mở rộng và trẻ sẽ có thiên hướng nghĩ về nguồn cội”, ông Vinh chia sẻ với Thanh Niên.
Năm 2012, Thái Lan hứng chịu một trong những trận lũ lớn nhất lịch sử. Toàn bộ nhà cửa của ông Vinh chìm trong nước, khiến tài sản, trong đó có nhiều món đồ chơi dân gian mà ông trân quý giữ gìn bị hư hại. Sau đó, dù vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng, nhưng ông Vinh hạ quyết tâm tạo dựng một nơi trưng bày đồ chơi dân gian Việt Nam và Thái Lan.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Như một cái duyên, khi ông thật sự bắt tay vào xây dựng bảo tàng cũng là thời điểm ASEAN đẩy mạnh công tác chuẩn bị và tuyên truyền về hội nhập khu vực, tiến tới thành lập cộng đồng chung. Chính phủ Thái Lan khi ấy cũng có nhiều chương trình chính sách quảng bá hội nhập, càng giúp ông tự tin hơn trong việc xây bảo tàng đồ chơi Đông Nam Á thay vì chỉ Việt Nam và Thái Lan.
Thế là căn biệt thự gần 500 m2 đã trở thành ngôi nhà chung của 130 loại đồ chơi dân gian 10 nước ASEAN với hàng trăm mẫu vật. Ông Vinh cho biết chi phí xây dựng không quá cao, hơn 1 triệu baht (gần 700 triệu đồng) là có một bảo tàng “be bé xinh xinh”. Tuy nhiên, tâm huyết và công sức để lấp đầy bảo tàng thì khó mà đong đếm. Đời sống hiện đại và sự phát triển vượt bậc của công nghệ khiến đồ chơi dân gian dần biến mất. Chính vì thế, ông Vinh ví von con đường của mình cũng không khác gì sưu tầm đồ cổ dù giá trị thấp hơn. Dù vậy, ông chưa bao giờ nản lòng và cứ có thời gian là ông lại đến một nước nào đó trong khu vực, lùng sục các cửa hàng đồ cũ hay tìm về tận những vùng thôn quê để mang về từng chiếc xe ba bánh bằng gỗ, diều giấy, bàn cờ cá ngựa…
Ông Vinh tâm sự so với kho tàng đồ chơi dân gian của các nước ASEAN thì bảo tàng của ông thật sự quá nhỏ nhoi. Đồ chơi dân gian Việt Nam hiện diện nhiều nhất và được đặt ở vị trí trung tâm, dễ đập vào mắt khách tham quan. Tuy nhiên, đồ chơi của nước khác như Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines... vừa xa lạ vừa khó tìm nên số lượng vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì thế, mong ước của ông là kêu gọi được sự hợp tác, hỗ trợ của nghệ nhân các nước để làm phong phú thêm bảo tàng.
Chính phủ chung tay
Không có gì ngạc nhiên khi bảo tàng đồ chơi dân gian nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của trẻ em Bangkok, vốn cũng như trẻ em nhiều nơi khác hiện bị “bao vây” bởi các thiết bị giải trí điện tử. Ông Vinh chia sẻ trẻ em đến với bảo tàng không chỉ tận mắt nhìn thấy và chơi thử những món đồ chơi từng làm cha mẹ chúng say mê mà còn có nhiều trải nghiệm thú vị như việc được dạy cách làm những mẫu đồ chơi đơn giản. Bản thân ông Vinh cũng trực tiếp hướng dẫn cách chơi hay mời nghệ nhân từ các nước đến để thuyết trình những câu chuyện thú vị về nguồn gốc của trò chơi.
“Cộng đồng ASEAN sở hữu kho tàng đồ chơi dân gian khá đồ sộ và những món đồ chơi dù không cùng quốc gia nhưng vẫn có nét tương đồng. Đơn cử như nhiều nước có trò ô ăn quan nhưng quy luật khác nhau”, ông Vinh nói khi đang hướng dẫn một nhóm học sinh phổ thông chơi ô ăn quan theo kiểu Việt Nam.
Các học sinh đến tham quan bảo tàng và chơi trò ô ăn quan

Hiện nhiều trường học tại Bangkok xem bảo tàng của ông Vinh là một địa chỉ bổ ích cho hoạt động ngoại khóa của học sinh, thậm chí đưa hẳn chương trình tham quan bảo tàng thành một phần của môn giáo dục công dân. Chính vì thế, Bộ Văn hóa Thái Lan đã quyết định cấp kinh phí để ông Vinh phát triển và quảng bá bảo tàng trong cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.