Ông Biden cắt ngắn công du châu Á, không họp Bộ Tứ vì khủng hoảng nợ công

17/05/2023 07:10 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cắt ngắn chuyến công du quan trọng sắp tới đến châu Á để sớm quay về Washington D.C tiếp tục thương thuyết với lãnh đạo Hạ viện Mỹ về trần nợ công.

Ông Biden cắt ngắn công du châu Á, bỏ họp Bộ Tứ vì khủng hoảng nợ công - Ảnh 1.

Cuộc thương thuyết đang được triển khai giữa lãnh đạo Hạ viện Mỹ và Nhà Trắng về nâng trần nợ công

AFP

Ngày 17.5, ông Biden lên đường đến Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, nhưng hủy bỏ lịch trình ở Papua New Guinea và Úc để kịp quay về Washington D.C xử lý vấn đề nâng trần nợ công trong nước.

"Tổng thống Biden sẽ quay về Mỹ ngày 21.5, sau khi kết thúc hội nghị G7, để tham gia các cuộc đối thoại với lãnh đạo quốc hội nhằm đảm bảo Điện Cpaitol kịp thời có hành động trước khi đến hạn buộc chính phủ đóng cửa", AFP dẫn thông báo từ Nhà Trắng.

Trước đó, dự kiến sau hội nghị G7, chủ nhân Nhà Trắng lẽ ra tham dự cuộc họp cấp cao nhóm Bộ Tứ ở Sydney (Úc) với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết ông Biden đã gọi điện cho ông Albanese để thông báo về việc hủy chuyến thăm Úc, và mời Thủ tướng Úc đến Washington D.C.

Ông Biden lẽ ra cũng đến Papua New Guinea trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Ngày 16.5, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã cùng xuất hiện tại cuộc điều trần của Ủy ban Phân bổ Ngân sách thượng viện.

Trước mặt các thượng nghị sĩ, cả ba bộ trưởng Mỹ lên tiếng cảnh báo rằng việc cắt giảm ngân sách theo như đề xuất của hạ viện có thể hủy hoại năng lực cạnh tranh của Mỹ về lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc, theo Reuters. Sự có mặt đồng thời của ông Blinken, ông Austin và bà Raimondo là sự kiện hiếm hoi và cho thấy Washington đặt trọng tâm vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Thế nhưng, thượng nghị sĩ Patty Murray, Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, chỉ ra rằng việc tiếp tục duy trì mức độ chi tiêu như hiện tại là không ổn, mang đến nguy cơ cho nền kinh tế Mỹ về dài hạn.

Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1.6, nếu quốc hội không bỏ phiếu thông qua việc nâng trần nợ công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.