Ông Biden nói không ngại ông Putin nhưng chưa cho Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga

Ông Biden nói không ngại ông Putin nhưng chưa cho Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga

15/09/2024 05:00 GMT+7

Mỹ và Đức dự kiến sẽ không thay đổi quan điểm trong chính sách giới hạn Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong nhiều tháng qua kêu gọi các đồng minh phương Tây cho phép phóng các tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, Nhà Trắng ngày 13.9 cho hay Mỹ không dự định công bố chính sách mới nào về Ukraine và việc sử dụng tên lửa tầm xa.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby trong một cuộc họp báo cho biết không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ liên quan đến cung cấp năng lực tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Ông Biden nói không ngại ông Putin nhưng chưa cho Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga- Ảnh 1.

Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow của Anh

ẢNH: AFP

Ông Kirby cho biết Mỹ đang nghiêm túc xem xét lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ xem như phương Tây trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột nếu Ukraine phóng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất vào Nga.

Phát biểu của ông Kirby được đưa ra trước cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Nhà Trắng.

Sau cuộc gặp này, Thủ tướng Starmer nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông đã có "cuộc thảo luận sâu rộng về chiến lược" với Tổng thống Biden nhưng "đó không phải là cuộc họp về một năng lực cụ thể nào".

Cả hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm đoàn kết và hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông Biden tỏ ra không lo ngại về lời cảnh báo của Tổng thống Putin.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh việc từ chối gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine. Trong một cuộc họp báo, ông Scholz nói: "Đức đã đưa ra quyết định rõ ràng về những gì chúng tôi sẽ làm và những gì chúng tôi sẽ không làm. Quyết định này sẽ không thay đổi".

Mỹ và Anh đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow. Tuy nhiên, Berlin đã nhiều lần từ chối gửi cho Kyiv các tên lửa tầm xa Taurus vì lo ngại xung đột leo thang.

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức châu Âu đưa tin rằng Mỹ có lẽ sẽ chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu ở sâu trong đất Nga với điều kiện không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 13.9, Tổng thống Volodymyr Zelensky phàn nàn rằng "rất khó khi phải nghe đi nghe lại" về việc phương Tây vẫn đang tìm cách đạt được quyết định dỡ bỏ giới hạn, để Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga.

Ông viết: "Sự trì hoãn [của phương Tây] trong việc hỗ trợ Ukraine và đưa ra những quyết định mạnh mẽ vì Ukraine được ông Putin hiểu là ông ta được phép làm bất cứ điều gì mình muốn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.