Chị là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, một lòng một dạ vì chồng vì con. Chính vì thế, chị chỉ “tin tưởng tuyệt đối” vào bản thân trong “sự nghiệp” làm “nội tướng” trong gia đình.
Minh họa: DAD |
Ai khác mà động tay động chân vào việc nào là việc đấy chưa “chuẩn cơm mẹ nấu”, cần phải có bàn tay của chị sắp xếp lại trật tự, cho vào đúng khuôn khổ thì mới “chuẩn không thể chỉnh”.
Chồng chị với con bé con hễ cứ làm việc gì, đã không được mẹ khen ngợi động viên thì chớ, lại còn bị chê ỏng chê eo, chê kiểu “vạch lá tìm sâu”, chê kiểu “bới bèo ra bọ”.
Nấu kiểu nào cũng chẳng vừa lòng
Hôm nào chị bận việc về muộn, anh hoặc con gái phải vào bếp là y như rằng trong bữa cơm hai bố con “ù tai” vì nghe chê. Vừa ngồi vào mâm, chị đã thẳng thừng “oánh giá”: “Mâm cơm bày biện lộn xộn quá, tôi mà không đích thân dọn cơm là thiếu cái nọ, thừa cái kia ngay”. Tiếp theo, xới một đũa cơm lên, chị phàn nàn: “Cơm khô quá”. Lần nấu sau anh đong thêm nước một chút, hạt cơm hết khô thì chị lại nói như theo quán tính, theo thói quen: “Ai nấu cơm mà nát thế?”.
Nhiều hôm, hai bố con loay hoay cả buổi với nồi niêu xoong chảo, cố gắng hết sức cho mâm cơm được vừa mắt vừa miệng, trong bụng khấp khởi bữa nay rút kinh nghiệm từ các bữa trước, theo đúng tinh thần “chỉ đạo” của mẹ thì thể nào mẹ cũng sẽ hài lòng cho mà xem. Thế nhưng bữa nào cũng như bữa nào, mười lần cả mười, chị không chê được điều này thì lại tìm ra được điều khác để chê. Cơm chín tới, hạt nào ra hạt đấy, dẻo tơi lên, thơm phưng phức, chả được một lời khen, đã thấy chị chỉ vào bát canh: “Canh gì mà nhạt như nước ốc, chẳng thấy mùi vị gì cả”. Thất vọng toàn tập!
Nói thì nói vậy !
Có lần chị ra giá để ly cốc, lấy một cái để uống nước, “tiện thể” lại buông một câu: “Ly gì mà ướt thế?”. Trời ạ! Con gái chị vừa rửa xong thì làm gì mà nó chả ướt? Thế mà lúc sáng chị vừa mới cằn nhằn: “Ly cốc mà không có tay tôi đụng vào rửa thì cứ mờ bụi thế này thôi”!
Chị nấu chè hạt sen cho hai bố con. Anh “dè dặt” góp ý: “Chè có vẻ hơi nhạt em à, có lẽ thêm chút đường nữa thì vừa ngon”. Chị “phản biện” đầy tính “khoa học”: “Ăn uống bây giờ nên bớt đường, bớt muối để tránh bệnh tật anh ạ”.
Thế nhưng lúc sau, chị tự động ra cho thêm thìa đường vào nồi chè, con gái chị nhắc lại “nghiên cứu khoa học” của chị thì chị lại… chắc nịch “như đinh đóng cột”: “Chè thì phải ngọt mới gọi là chè con gái à. Người ta thường hay nói… ngọt như chè là gì”.
Anh dọn dẹp lại tủ giày dép cho gọn gàng và nói nên mua một cái tủ mới thay cái này cũ quá rồi, chị gạt phắt: “Tủ này còn dùng được hàng năm nữa cũng chưa hỏng, anh chỉ tiêu hoang phí phạm, chả căn cơ tiết kiệm gì hết. Tiền đấy để mà dùng vào việc khác”.
Anh hiểu tính chị nên không đề cập đến việc này nữa. Ấy thế mà chỉ chưa đầy nửa tháng sau, chị đùng đùng lôi hết giày dép trong tủ ra ngoài, rồi thình lình một cậu thanh niên chở vèo đến cái tủ đựng dép mới tinh, khênh vào thay cái tủ cũ. Chị nói “như đúng rồi”: “Cái tủ này đến lúc phải thay rồi, em “săn” được cái tủ mới vừa đẹp lại đang giảm giá sâu nên cần phải thay cho nhà cửa đỡ luộm thuộm”.
Bữa sinh nhật chị, hai bố con “hội ý kín” với nhau tạo cho mẹ một sự bất ngờ, bao năm nay mẹ chả biết hình thù sinh nhật nó thế nào! Chẳng ngờ, về đến nhà, nhìn thấy bàn tiệc dọn sẵn với các món ngon bày biện tươm tất, lọ hoa tươi tắn bên cạnh, chị từ ngạc nhiên chuyển ngay sang “phê phán”: “Hai bố con thừa tiền không biết tiêu vào việc gì hay sao mà lại nghĩ ra trò này? Một bữa thế này bằng ba bốn bữa ngày thường chứ ít à?”. Vui đâu chẳng thấy, lại khiến chị xót ruột!
Dù sao thì cũng một tay chị lo lắng chu toàn cho cả gia đình, chồng con chị trong lòng đều biết ơn lắm lắm, nhiều lúc còn tung hô chị không tiếc lời. Những lúc đấy chị phấn khởi lắm, thế nhưng không hiểu sao chị vẫn cứ thích phải “khẳng định” mình hơn nữa, hơn và hơn thế nữa… bằng cách chê bai một cái gì đấy để “ra điều” rằng không có bàn tay chị “can thiệp” vào công việc quản gia thì… nhà loạn! Cho nên vai trò của chị trong cái nhà này là lớn lắm, không thể thiếu được chị trong vai trò “mama tổng quản”. Chị phải là người đảm đương, quán xuyến, là “tổng chỉ huy”, “tổng tư lệnh” thì mọi việc mới đâu vào đấy được hoàn hảo.
Anh và con gái đều hiểu tính chị đến “chân tơ kẽ tóc” thế rồi, chẳng bao giờ “bất mãn” gì với những lời chê bai của chị, nhưng đôi khi vẫn có chút chạnh lòng vì chị vô tình không hiểu tấm lòng và công sức của chồng con dành cho vợ, cho mẹ.
Bình luận (0)