Ông chủ phòng trà nhỏ nhất ở TP.HCM

08/05/2022 07:06 GMT+7

Nhờ dũng cảm thay đổi bản thân mà giờ đây, Hà Thanh Phúc (34 tuổi) trở thành ông chủ của 'phòng trà nhỏ nhất TP.HCM'.

Vốn là học sinh giỏi toàn quốc môn văn, Phúc được tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM. Với chuyên ngành kinh doanh quốc tế, những tưởng chàng trai người Đồng Tháp này sẽ “cập bến” ở một công ty, doanh nghiệp nào đấy chuyên về lĩnh vực đúng ngành học. Thế nhưng, Phúc chọn... quản lý truyền thông cho các nghệ sĩ.

Và khoảng 3 năm nay, tên tuổi của Phúc gắn liền với những biệt danh: “bầu sô mát tay”, “ông chủ phòng trà nhỏ nhất ở TP.HCM”... khi anh lại thêm một lần tìm đến công việc mới để thử thách bản thân.

Diva Thanh Lam biểu diễn ở “phòng trà tí hon”

H.B.T

Chốn quen của những ca sĩ nổi tiếng

Phúc cho biết sở dĩ gọi là “phòng trà nhỏ nhất TP.HCM” bởi nhắc đến phòng trà, thường nghĩ ngay đến những không gian rộng, có thể đủ chỗ cho số đông khán giả. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, ở TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác, chỉ có duy nhất Vừng (phòng trà của Phúc - PV) là có không gian nhỏ.

Với biệt danh “bầu sô mát tay”, “ông trùm bán vé” Phúc giải thích: “Mọi người yêu thương đã gọi như vậy là vì khi thấy tôi may mắn tổ chức sô nào cũng thành công, bán hết vé”.

Có một điều khá thú vị, tuy phòng trà mà Phúc làm ông chủ có không gian nhỏ như thừa nhận của chính anh, nhưng lại là chốn quen của những danh ca. Ở Việt Nam có 4 diva là Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần, Hồng Nhung, đều đã từng hát ít nhất 1 lần ở phòng trà tí hon này vào tháng 3 vừa qua. Chưa kể, những ca sĩ nổi tiếng như: Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Tuấn Hưng, Phương Thanh, Ưng Hoàng Phúc, Như Quỳnh... cho đến những ca sĩ trẻ đang được mến mộ như: Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hoàng Dũng, Tăng Phúc, Hà Nhi, Bùi Lan Hương, Lân Nhã… cũng từng đến biểu diễn.

Tôi hỏi: “Vì sao những tên tuổi của showbiz Việt lại gật đầu biểu diễn ở phòng trà không quá rộng rãi như vậy?”. Phúc cười cho biết: “Có lẽ... vũ trụ đã sắp xếp cho tôi mọi thứ để làm... ông bầu. Nghĩa là từ hồi 20 tuổi, khi mới là sinh viên, tôi đã từng mở quán cà phê về ca nhạc (nhưng không được gọi là phòng trà, vì phòng trà phải có ngôi sao ca nhạc - PV). Sau đó, tôi có thời gian làm báo, nên có những mối quan hệ. Tôi may mắn được các anh chị trong showbiz, những ngôi sao lớn yêu mến nên họ nhận lời. Tuy nhiên khi làm bầu sô, không thể mãi dùng mối quan hệ được. Và điều khiến họ đồng ý hát ở phòng trà của tôi, không phải là tiền, mà là tôi thuyết phục họ bằng... chính phòng trà. Ngoài ra, lời mời chân thành cũng rất quan trọng. Với nghệ sĩ, họ là người rất giàu tình cảm, nhạy cảm”.

Nhạc sĩ Phương Uyên và danh ca Thanh Hà biểu diễn ở Vừng

Phúc giải thích thêm: “Phòng trà mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho họ khi biểu diễn. Có đặc thù là mô hình nhỏ nên mọi thứ gần gũi, dễ kết nối, tương tác giữa ca sĩ và khán giả. Lúc chưa biểu diễn, có thể họ còn ngần ngại vì phòng trà khá nhỏ. Nhưng sau khi biểu diễn, với những sự gần gũi, dễ thương, họ đều mong đến hát lần 2, lần 3. Nghĩa là nghệ sĩ cần cảm xúc, cần niềm vui, và phòng trà của tôi đáp ứng được điều đó. Mỗi đêm nhạc như một bữa họp mặt gia đình thân mật. Ca sĩ cảm nhận được sự ấm cúng, khác với đi biểu diễn ở những sân khấu”.

Và dần dà, theo thời gian, phòng trà tí hon này đã trở thành chốn lui tới quen thuộc để vô số ca sĩ của showbiz Việt gặp gỡ, giao lưu với khán giả, với những người yêu thương họ. Nếu như hiện tại, nhiều phòng trà ở TP.HCM đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thì khá thú vị khi phòng trà của Phúc hoạt động xuyên suốt với 20 - 25 sô diễn mỗi tháng, mở cửa cả những ngày đầu tuần.

Thích cuộc sống thú vị, nhiều trải nghiệm

“Để trụ vững trước sự cạnh tranh của những phòng trà khác ở TP.HCM, đâu là bí quyết?”, tôi hỏi. Phúc không ngần ngại chia sẻ: “Ngoài đầu tư marketing, thì đó là đầu tư vào chất lượng ban nhạc, chất lượng âm thanh. Tôi đầu tư cho ban nhạc rất tốt, rất giỏi, chịu khó tập rất vất vả để có những phút giây thăng hoa cùng ca sĩ. Phòng trà của tôi cũng là nơi tiên phong áp dụng công nghệ, khi mỗi nhạc công đều sử dụng iPad để nhìn bản phối. Khi khán giả yêu cầu, nhạc công chỉ cần 5 giây là tìm được tổng phổ để chơi nhạc cho ca sĩ, chứ không phải rị mọ in giấy và ngại chơi bài mới, bài khó”.

Phúc được gọi là “nhà văn vạn bản” khi từng xuất bản chục cuốn sách thu hút sự quan tâm của người đọc

Phúc cho biết thêm: “Tôi dự định mở tiếp một phòng trà nữa với không gian lớn hơn ở TP.HCM và sau đó sẽ lên Đà Lạt và ra Hà Nội. Nhất là với Đà Lạt, dù hiện nay đang bùng nổ các show và sân khấu đến mức gần bão hòa nhưng muốn xuất hiện trên thành phố mộng mơ ấy để thị trường có thêm một lựa chọn. Khán giả là người quyết định. Nếu tôi làm không tốt thì sẽ tự bị đào thải. Nhưng tôi tin mình làm được”.

Phúc cho rằng tuổi trẻ là thời điểm thích hợp để trải nghiệm, chinh phục những điều mới lạ, nên không để bản thân là người ngoài cuộc. “Và hơn hết, ở mỗi giai đoạn sẽ thường làm tốt cho một công việc. Quãng thời gian này tôi nghĩ công việc bầu sô tổ chức đêm ca nhạc là tôi làm tốt nhất, đem lại sự hào hứng nhất. Với tôi, cuộc sống ý nghĩa không phải cuộc sống kiếm được nhiều tiền, mà phải là một cuộc sống thú vị. Mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau về cuộc sống khác nhau. Nhưng tôi thích cuộc sống thú vị, nhiều trải nghiệm. Đó là lý do tôi hay thích sự thay đổi”, Phúc, ông chủ phòng trà nhỏ nhất ở TP.HCM, chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.