Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV về tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã có hơn 10 phút trao đổi về vấn đề gỡ "thẻ vàng" hải sản IUU - khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Đang có "tâm lý lây lan" đến các thị trường khác
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thông tin, cách đây gần 6 năm (năm 2017), Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" IUU với Việt Nam. Theo ông, điều này gây rất nhiều cản trở cho hoạt động xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, hiện nay có "tâm lý lây lan" đến các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
"Nếu những thị trường này cũng áp "thẻ vàng" cho chúng ta thì đúng là khốn khổ cho bà con ngư dân cũng như các doanh nghiệp làm công việc sơ chế, chế biến thủy hải sản xuất khẩu", ông Quang nói.
Phó thủ tướng cho hay, Việt Nam vừa tiếp đoàn thanh tra của EC cách đây 2 tuần. Kết quả cuối cùng, EC chưa gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam.
Đoàn kiểm tra của EC ghi nhận Việt Nam rất tích cực, quyết liệt, có chủ trương mạnh mẽ, nhưng việc tổ chức thực hiện thì đâu đó cũng chưa đúng tầm. Dự kiến khoảng tháng 5 năm sau, đoàn kiểm tra của EC sẽ quay lại kiểm tra một lần nữa.
Ông Quang lưu ý, nếu không tranh thủ được cơ hội này thì sau đó EC sẽ thay đổi nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức; sẽ có ủy ban khác, nhân sự khác phụ trách việc này.
"Như thế, ít nhất 3 năm nữa chúng ta mới được bàn lại câu chuyện này, theo dự báo của nhiều người", Phó thủ tướng nói, và cho biết, nếu kịch bản đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia "kỷ lục", mất khoảng 10 năm mới gỡ được "thẻ vàng" IUU.
"Chúng tôi sẽ cố gắng trong khoảng 7 tháng còn lại. Tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách việc này cũng đau đầu lắm, bởi đây là việc rất khó", Phó thủ tướng nói.
"Không thể đuổi bắt mãi thế này được"
Theo ông Trần Lưu Quang, có nhiều nguyên nhân khiến bà con ngư dân dù không muốn vẫn phải khai thác thủy sản bất hợp pháp, mà "lý do lớn lao nhất là lợi ích". "Tàu thì nhiều, nguồn lợi thủy sản không có, nợ ngân hàng, cuộc sống áp lực nên có câu chuyện lén lén chạy ra bên kia", ông Quang nêu thực tế.
Ông Quang cũng nêu thêm lý do là việc quản lý vẫn còn kém; thêm nữa, lực lượng chức năng của mình, cảnh sát biển, biên phòng cũng mỏng nên rất khó kiểm soát.
"Hệ thống pháp luật của mình cũng có những tình tiết, điều khoản không thể xử được", ông Quang nói, và dẫn chứng, vừa rồi TAND tỉnh Kiên Giang xử một vụ nhưng lên tòa cấp cao TP.HCM bị bác, UBND tỉnh Kiên Giang thua. Ngược lại, theo ông Quang, có một số trường hợp chúng ta xử thắng, theo quy định chúng ta tịch thu được tàu của bà con, nhưng "thực ra việc tịch thu tàu là một câu chuyện cực kỳ đau lòng".
"Ông Chủ tịch UBND Kiên Giang nói với tôi: báo cáo anh, em ký quyết định tịch thu cái tàu này mà em rơi nước mắt. Nhưng ký xong xuống cũng không lấy được tàu vì tàu là tàu của ngân hàng chứ chả phải của ông ngư dân", Phó thủ tướng nói, và chia sẻ rằng đây là một câu chuyện "rất khó khăn".
"Nhưng cũng không thể có câu chuyện chúng ta đuổi bắt thế này mãi được. Bà con mình không, toàn những người khó khăn và mình đang có trách nhiệm với họ", ông Quang nói.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, bây giờ tổ chức cho nuôi thủy hải sản thế nào, chuyển đổi nghề thế nào, quy định tiêu chuẩn mắt lưới thế nào… "Tất cả là một câu chuyện rất dài", ông Quang nói, và cho rằng đây là câu chuyện khá khó để giải quyết, nếu không giải quyết được thì việc phát triển ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bình luận (0)