Vui với "công chúa nhỏ"
Ông Vũ Văn Sơn (63 tuổi) bán vé số với tấm biển: “Tôi bị câm điếc xin cô bác làm ơn giúp đỡ” là nhân vật trong bài viết: Ông cụ câm điếc từ chối 75 triệu, dân mạng bảo nhau 'biết đủ là hạnh phúc' trên Báo Thanh Niên.
Ông được nhiều người biết đến khi được chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (25 tuổi) kêu gọi từ các nhà hảo tâm tặng 75 triệu đồng nhưng ông chỉ lấy 5 triệu đồng.
Ông Sơn vẫn ngồi ở góc đường cũ |
lê hồng hạnh |
Ông Sơn quê ở Long An, ông có hai người con gái đã lập gia đình, mỗi người có hai em bé. Còn vợ ông thì vẫn ở dưới quê đi làm cỏ, làm rẫy mướn cho người ta.
Hai năm mưu sinh ở Sài Gòn, ông Sơn được một người chủ lo cho chỗ ăn ngủ, lấy vé số không vốn để đi bán kiếm tiền. Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng. Ông thường ngồi ở đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM). Buổi tối ông Sơn sẽ đến ngã tư Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) bán tiếp vé số. Tầm 21 giờ, ông lại đạp xe ra vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) bán đến hơn 23 giờ mới về.
Ông được tặng cho tấm bảng để dễ dàng nói chuyện với mọi người |
lê hồng hạnh |
Thời gian sau, ông Sơn nhận nuôi một con chó tên “Bé Bông”, hình ảnh con chó và ông được chia sẻ rộng rãi khắp các trang mạng xã hội. Bông trở thành cô công chúa nhỏ được dân mạng yêu thương và hằng ngày đều có người đến thăm, cho quần áo, thức ăn.
Ông Sơn viết chữ rất đẹp và dễ đọc |
lê hồng hạnh |
Nhiều người đem chó đến chơi cùng Bé Vui |
lê hồng hạnh |
Không may trong lúc TP.HCM giãn cách xã hội, Bông bị con chó của chủ nhà nơi ông ở cắn chết. Lo lắng ông Sơn buồn, sau 1 tuần đi bán vé số lại, ông Sơn được tặng cho con chó mới, sau đó có người đến đặt tên là bé Vui.
Ông cũng được một người khác tặng cho tấm bảng và bút lông để dễ dàng giao tiếp. Ông Sơn cho biết, sau khi tặng chó cho ông, hai người cũng có quay trở lại hỏi đã đặt tên cho bé chưa, 2 tuần nữa sẽ quay lại đi chích ngừa cho bé.
“Hôm trước đi bán một mình chú thấy buồn lắm, giờ có bé Vui chú rất vui”
Bé Vui bỗng chốc nổi tiếng và trở thành cô công chúa mới của cộng đồng mạng, người đến người đi lại tấp nập để mua vé số ủng hộ ông vừa chơi cùng Vui. Ông Sơn kể lại bé Vui nhỏ hơn bé Bông nên hạt cứng quá bé ăn không được, chỉ ăn cơm hoặc thức ăn mềm. Hằng ngày có rất nhiều người mang cơm cho ông và Vui.
“Mọi người tới mua vé số là vui rồi”
Vẫn như cũ, mỗi lần có người đến mua vé số, ông Sơn đều chào hỏi, xịt khử khuẩn, ai hỏi gì ông cũng vui vẻ trả lời. Khi có nhiều người đến cho bé Vui quần áo, ông Sơn lắc đầu từ chối. Ông giải thích quần áo, đồ ăn của bé Bông còn nhiều nên không nhận thêm.
Bé Vui trở thành cô công chúa mới |
lê hồng hạnh |
Nhiều người đến mua vé số ủng hộ, ông Sơn đều xịt khử khuẩn để phòng dịch |
lê hồng hạnh |
Ông tâm sự: “Lúc bé Bông mất, chú mặc cho bé cái đầm rồi đem chôn cất. Mọi người thương chú tới mua vé số là chú rất vui. Đôi khi gửi cho chút ít tiền quà, chú nhận nhưng chú cũng ngại lắm, tiền ít chú nhận nhưng nhiều chú không dám nhận”.
Chị Nguyễn Trúc Phương Anh ghé thăm ông Sơn trên đường đi làm về. Sau khi mua vé số ủng hộ ông, chị Phương Anh ẵm bé Vui trên tay vỗ về cho bé ngủ say. Chị bày tỏ kể từ lúc ông Sơn nuôi bé Bông, chị đã thường xuyên ra thăm ông và bé.
Nhờ có Bé Vui mà ông Sơn vui hơn hẳn |
lê hồng hạnh |
Là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, đối với chị, Sài Gòn luôn ngập tràn bao dung và tình thương. Câu chuyện của chú Sơn khiến chị ấm lòng và quên đi những lo toan của cuộc sống. “Lúc nghe tin bé Bông mất mình buồn lắm. Mình mong là những câu chuyện như thế này sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa thay vì những thứ tiêu cực phủ sóng mạng xã hội”, chị nói.
Chị Phương Anh ẵm và vỗ về Bé Vui ngủ |
lê hồng hạnh |
Mang chó đi dạo, chị Dung (ngụ Q.1, TP.HCM) cũng chung nỗi lòng khi chị dẫn chó ra chơi với ông và bé Vui cho hai ông cháu đỡ buồn. Chị kể cũng đã biết ông Sơn từ rất lâu thông qua mạng xã hội nên thường mua ủng hộ vé số, chị cũng mong muốn mang quần áo cũ ra cho Vui nhưng ông từ chối nên chị hẹn ngày khác ra thăm lại hai ông cháu.
Bình luận (0)