Ông Đặng Quốc Bảo đỗ Tú tài Trường bảo hộ Pháp (Trường Bưởi, Hà Nội) năm 1944. Nhưng trước đó, từ năm 1937, ông đã tham gia cách mạng khi làm liên lạc viên cho một cơ sở Đảng tại TP.Nam Định. Năm 22 tuổi, ông đã làm Chính ủy Trung đoàn 88, là chỉ huy cấp trung đoàn trẻ nhất quân đội nước ta thời bấy giờ.
Tại mặt trận Điện Biên Phủ 1954, ông Đặng Quốc Bảo làm Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm chính trị Đại đoàn Quân tiên phong và trải qua nhiều vị trí quan trọng trong quân ngũ. Ông vinh dự được phong thiếu tướng năm 1974, cùng đợt phong bậc hàm tướng với các vị chỉ huy danh tiếng như Lê Đức Anh, Đồng Sỹ Nguyên…
Sau này, khi trúng cử vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IV, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, làm Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban Khoa giáo T.Ư Đảng trước khi nghỉ hưu.
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống yêu nước, ông Đặng Quốc Bảo được giác ngộ cách mạng từ sớm. Ông có cha và 2 chú ruột ông đều từng theo phong trào Đông Du chống Pháp; có anh trai là nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều và họ hàng gần với ông Đặng Xuân Khu (Tổng Bí thư Trường Chinh).
Ông Đặng Quốc Bảo luôn được đồng chí, bạn bè nhắc đến là một người chính trực, thẳng thắn. Ở cương vị công tác nào ông cũng luôn để lại dấu ấn một con người mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc, dám nói thẳng, nói thật và có tư duy mới. Chẳng thế mà khi còn là một cán bộ quân đội trẻ, ông được đại tướng Nguyễn Chí Thanh giới thiệu gặp Bác Hồ, bởi Bác muốn đàm đạo với "một cậu nào trẻ trong quân đội mà có trình độ, sắc sảo một chút, lại dám nói thẳng và dám tranh luận".
Lý do ông Đặng Quốc Bảo được đại tướng Nguyễn Chí Thanh chọn làm trợ lý, cũng chính là từ sự trực tính của ông. Ông rất kiên quyết trong bảo vệ quan điểm, khi ông cho là đúng, trước bất kỳ ai. Một trong số đó là lần ông cự nự gay gắt với ông Nguyễn Chí Thanh quanh chuyện suất ăn của anh em chiến sĩ. Không ngờ sau lần tranh cãi đó, ông không bị phê bình, mà còn được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh gọi lên, vừa ôn tồn phân tích, vừa thừa nhận mình đã nặng lời. Vị đại tướng nói như thế cũng là không nên, và cả hai cần rút kinh nghiệm.
Chuyện đáng nói nữa, là từ sau đó, ông Đặng Quốc Bảo trở thành "trợ thủ" tin cậy của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh. Ông được điều động, phân công làm Chánh văn phòng Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Sau này, khi rời quân ngũ, tư chất ấy của ông cũng không thay đổi. Là người có 4 năm làm việc dưới quyền của ông Đặng Quốc Bảo, PGS-TS Chung Á, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư Đoàn, nhận xét vị lãnh đạo của mình là một con người chính trực, thẳng tính, sớm nhìn ra thời cuộc. Cũng theo PGS-TS Chung Á, cố Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo chính là người đã đặt nền móng khoa học cho công tác thanh niên.
Thế hệ các vị tướng trong chiến tranh giải phóng dân tộc đến nay không còn nhiều. Mỗi một người trong số họ ra đi lại để một khoảng trống trong lòng người ở lại. Và thiếu tướng Đặng Quốc Bảo là vị tướng như thế. Sự cương trực, thẳng thắn và "chất lính" của ông sẽ vẫn còn được nhớ mãi.
Hồi 9 giờ hôm qua 15.9, thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đã từ trần do tuổi cao sức yếu, thọ 97 tuổi.
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo sinh ngày 1.5.1927, quê làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng khóa IV, Trưởng ban Khoa giáo T.Ư Đảng (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo tham gia cách mạng từ tháng 5.1945 và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam cùng năm. Tới tháng 2.1947, ông nhập ngũ và được trải qua nhiều vị trí trong quân đội với gần 30 năm công tác.
Năm 1974, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, năm 1976, ông chuyển ngành sang dân sự và giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tại Đại hội IV của Đảng (năm 1976), ông được bầu là Ủy viên T.Ư Đảng.
Tới năm 1978, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Khoa giáo T.Ư và được bổ nhiệm làm Trưởng ban Khoa giáo T.Ư năm 1987. Từ 1991, ông nghỉ hưu.
Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Quân công (hạng nhất, nhì, ba); Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Bình luận (0)