Tôi ‘nghiện’ đọc báo
Là một ông chủ của công ty lớn tại Mỹ và Việt Nam, có nhiều dự án quan trọng đã và đang triển khai, vậy ông có thời gian để đọc báo, nghe đài không?
Ông David Dương: Đó là việc thường xuyên. Hay nói cách khác là tôi "nghiện" đọc báo. Một ngày không tiếp cận với các thông tin báo chí, tôi thấy thiếu hụt lắm. Trong thời đại kỹ thuật số, ngồi một chỗ có thể biết được rất nhiều sự kiện, nhiều vấn đề đang xảy ra khắp hành tinh. Truyền thông đóng góp quan trọng cho sự phát triển quốc gia, của nhân loại. Còn đối với một doanh nhân như tôi, đó là một kênh quan trọng để nắm bắt cơ hội làm ăn, điều chỉnh các chiến lược kinh doanh phù hợp…
Nhưng trong thời đại truyền thông đa phương tiện bùng nổ, thì bên cạnh nhiều mặt tích cực của thời đại truyền thông đa phương tiện này, đã có những "mặt trái" xuất phát từ các trang mạng không chính thống, ông có thấy điều đó?
Những cơ quan truyền thông đứng đắn thì khó có "mặt trái" vì họ luôn luôn mang lại những tin bài chuẩn mực, giá trị giúp cho xã hội phát triển tốt hơn. Họ phát hiện, phản ảnh những chuyện tiêu cực để góp phần điều chỉnh những nền tảng, thiết chế… có thể giúp ích cho cuộc sống. Mặt khác, những tin bài, hình ảnh của những cơ quan truyền thông đứng đắn còn lan tỏa rất mạnh giá trị tốt đẹp, những việc tử tế, truyền thêm năng lượng tích cực cho mọi người. Tôi rất thú vị với slogan "Hào hiệp - Tử tế - Nhân văn - Tin cậy" của Báo Thanh Niên. Về "mặt trái" của truyền thông, tôi thấy xuất hiện nhiều ở mạng xã hội. Nhưng phải công bằng mà nói, mạng xã hội cũng có những cái tốt mà chúng ta cần biết chọn lọc để tiếp cận.
Là một Việt kiều đã đầu tư và dành nhiều tâm huyết cho những dự án về môi trường tại VN, chắc hẳn ông cũng quan tâm đến thông tin từ báo chí tại VN?
Tôi đọc báo VN còn nhiều hơn các báo chí xuất bản tại Mỹ. Đọc để dõi theo những bước phát triển của quê hương; để nắm cơ chế, chính sách của VN trong việc thu hút đầu tư. Cũng nhờ báo chí trong nước mà tôi nắm được "nội bộ" công ty mình tại VN đang diễn ra như thế nào. Tôi rất vui khi thấy báo đài thường xuyên đưa tin có nhiều đoàn trong nước và quốc tế chọn VWS tham quan, tìm hiểu, học hỏi, trao đổi về những công nghệ và giải pháp xử lý rác. Nói thật, có những lúc mình suy tư về chuyện đầu tư làm ăn ở quê nhà, nhưng những tin bài như vậy tiếp thêm cho tôi động lực. VWS là công ty luôn mở cửa đón tiếp những đoàn khách như vậy và chúng tôi không chỉ vui mà còn rất tự hào khi được chào đón họ.
Ông có thể kể về một số đoàn khách đến VWS gần đây làm ông rất vui và tự hào khi chào đón họ?
Từ nhiều năm nay, đặc biệt từ đầu năm 2024 liên tục có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đăng ký đến VWS, vì theo họ đây là một mô hình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường điển hình tại VN. Ngoài sự viếng thăm của các cấp chính quyền; các cơ quan, ban ngành của TP.HCM và một số tỉnh thành khác, thì các đoàn học sinh như Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan,Trường đại học Fulbright Việt Nam, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường đại học Hồng Kông… cũng như các đoàn doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Đức… đến VN tham dự Hội nghị châu Á về xử lý chất thải thành năng lượng cũng đến tham quan, tìm hiểu mô hình tiên tiến về xử lý, tái chế rác tại VWS. Các người đẹp nhiều quốc gia tham gia cuộc thi Hoa hậu Trái đất - Miss Earth 2023 cũng đến VWS.
Thành tựu lớn tại Mỹ và những điều trăn trở ở VN
Được biết, mới đây truyền thông Mỹ cũng đã tôn vinh ông một doanh nhân gốc châu Á và là Việt kiều Mỹ có tầm ảnh hưởng đối với sự phát triển đối với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á tại thung lũng Silicon Valley của xứ sở cờ hoa?
Tôi rất vinh hạnh được chọn là một trong 15 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc châu Á tại thung lũng Silicon Valley. Báo San José Spotlight đề cập đến tôi với hai thành tựu quan trọng là với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Mỹ (VABA) tôi đã giúp các doanh nghiệp Việt kiều đấu thầu các hợp đồng tại Mỹ, và với tư cách là Giám đốc điều hành của CWS, tôi đã tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ cộng đồng và đầu tư vào hoạt động xử lý chất thải với công nghệ mới tiên tiến góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là kiều bào Việt Nam tại Mỹ.
Những dấu ấn quan trọng của CWS trong năm 2024 là gì, thưa ông?
CWS vừa đầu tư dàn xe chạy bằng điện với số lượng 55 chiếc, giá 730.000 USD/chiếc. Chúng tôi đang xúc tiến ký kết hợp đồng bao gồm bán lại xe cũ và mua xe mới. CWS cũng thay đổi công nghệ cho hai nhà máy thu gom, lọc lựa, tái chế nguyên liệu cho bột giấy ở San Jose và Oakland với mục tiêu sử dụng công nghệ thông minh hơn, thân thiện hơn, trong đó có sử dụng công nghệ AI. Nhà máy phân loại tái chế giấy sử dụng công nghệ AI thế hệ mới và Robot, tự động hóa 95% tối đa. Vốn đầu tư 200 - 250 triệu USD/nhà máy, công suất 1.500 tấn/ngày, phấn đấu khai trương hai nhà máy vào năm 2025, song song với việc thương thảo lại hợp đồng xử lý chất thải.
Thưa ông, vậy còn trong nước, ông có những kế hoạch, dự án mới nào không?
VWS vẫn theo đuổi dự án thay đổi công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt rác phát điện đã trình chính quyền TP.HCM. Song song đó là xin gia hạn thời gian chôn lấp thêm 10 - 12 năm. Theo tính toán, tổng khối lượng rác thải của TP.HCM, Khu Liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước đã nhận tính đến nay là 26 triệu tấn, còn khả năng tiếp nhận 12 triệu tấn nữa. Thời hạn TP.HCM giao cho VWS trên hợp đồng là 50 năm (2005 - 2055), như vậy về mặt pháp lý hợp đồng vẫn còn hiệu lực để tiếp nhận rác hơn 10 năm nữa.
Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWS-LA) cũng thúc đẩy tiến độ dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh Long An. Hồ sơ đã nộp nhiều năm nhưng mãi chưa thấy chính quyền tỉnh Long An trả lời. Trong thời gian chờ đợi, hàng loạt chi phí tăng, trong khi đó công ty đầu tư xây dựng đường đi nội bộ bảo vệ dự án và đường dây điện chiếu sáng với kinh phí hơn 2,5 tỉ đồng. Thật sự chúng tôi rất tâm tư khi chính quyền tỉnh Long An chưa có hướng giải quyết phù hợp cho VWS-LA.
Có vẻ như mỗi năm tâm tư ông thêm trĩu nặng vì những dự án với nhiều tâm huyết mà mình rất mong chờ, kỳ vọng tại VN.
Thật sự là như vậy, vì tôi đã nói đi nói lại nhiều lần rồi mà chưa có chuyển biến tích cực gì cả. Nhưng, tôi vẫn cứ chờ đợi và hy vọng vào cái tâm, cái tầm của lãnh đạo khi họ thật tâm lắng nghe thì họ sẽ thấu hiểu và gỡ nút thắt này. Các anh em làm truyền thông cũng vậy, rất cần cái tâm và cái tầm. Nhân Ngày 21.6, tôi cũng gửi lời chúc thân ái đến các đơn vị truyền thông và những người làm báo có những bài viết hay, thiết thực và sâu sát với đời sống người dân. Tôi cũng mong cơ quan truyền thông sẽ góp tiếng nói mạnh hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư về chính sách, đi đầu trong việc đưa thông tin đến cơ quan chức năng; đồng thời truyền tải những góp ý hay, những chính sách thiết thực cần thiết cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Những dự án ngoài lĩnh vực môi trường của CWS
Dự án sân golf; mua 800 mẫu đất để xây 3.000 căn nhà cho nhà đầu tư EB5; xây dựng khu vui chơi du thuyền, nhà hàng, khu cho xe MobiHome dừng nghỉ, Airbnb cho thuê… Ngoài ra, còn có dự án nhà ở sản xuất từ container và dự án xây 24 căn nhà trên đồi ở TP.Oakland, trị giá từ 8 đến 15 triệu USD/căn.
Bình luận (0)