Đại diện Bộ Tài chính, NHNN vắng mặt
Tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 6 đồng phạm trong vụ PVN góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), trước khi phần xét hỏi diễn ra, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, đề nghị cho mời đại diện Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để làm rõ thêm việc góp vốn và thoái vốn của PVN khỏi Oceanbank.
Luật sư Phạm Công Hùng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, đề nghị xem lại tư cách tham gia tố tụng của ông này và việc tại vụ án trước, bị cáo Sơn đã bị yêu cầu bồi thường 246 tỉ đồng, trong đó có 20 tỉ đồng đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh.
Bày tỏ quan điểm về đề nghị của các luật sư theo yêu cầu của chủ tọa, đại diện VKSND thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa, cho rằng: một số nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong khi sự có mặt của họ là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, theo các luật sư, đây là vụ án xét xử nhiều ngày, với nhiều bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục triệu tập những người vắng mặt và triệu tập thêm theo yêu cầu. Trường hợp vắng mặt không có lý do, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng quy định của bộ luật Tố tụng hình sự để họ có mặt tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử hội ý và quyết định: tuy hồ sơ có đủ ý kiến của các cơ quan và những người tham gia tố tụng khác mà luật sư đề nghị triệu tập, nhưng đây là phiên tòa nhiều ngày, nên trường hợp cần thiết, Hội đồng xét xử sẽ triệu tập đại diện những tổ chức, cá nhân luật sư đề nghị.
Tại phiên xét xử sáng nay, 19.3, Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện Bộ Tài chính, NHNN, nhưng đại diện các cơ quan này vắng mặt, tòa sẽ tiếp tục triệu tập.
Về tư cách tham gia tố tụng của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, tòa quyết định để như trong cáo trạng.
Các thành viên HĐTV PVN đồng ý góp vốn vì không biết luật?
Sau hơn 1 giờ trình bày cáo trạng của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử chuyển sang phần xét hỏi với bị cáo Vũ Khánh Trường (64 tuổi, nguyên thành viên HĐTV PVN). Bị cáo Trường bị truy tố vì đã trực tiếp ký nghị quyết góp vốn bổ sung giai đoạn 2 (300 tỉ đồng) và biểu quyết đồng ý để HĐTV ban hành nghị quyết góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng giai đoạn 3, giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 400 tỉ đồng.
|
Bị cáo Trường thừa nhận việc đã thừa ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng, ký chấp thuận kế hoạch tăng vốn của OJB 2 lần, lần 1 lên 3.500 tỉ đồng và lần 2 lên 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng việc PVN đồng ý để Oceanbank tăng vốn với tư cách cổ đông không phải báo cáo Thủ tướng, mà khi PVN chuyển tiền mới phải báo cáo.
Bị cáo Trường cũng cho rằng “nếu làm được trọn vẹn thì phải có một nghị quyết nữa của HĐTV (sau khi có ý kiến của Thủ tướng) thì mới chuyển tiền”, nhưng trên thực tế, không hề có nghị quyết này và PVN vẫn chuyển tiền cho Oceanbank.
Cũng theo bị cáo này, vào thời điểm biểu quyết đồng ý góp vốn lần 3 vào năm 2011, bị cáo hoàn toàn không có thông tin gì về quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2010. Theo đó, PVN sẽ chỉ được giữ tối đa 15% vốn của Oceanbank, chứ không phải 20%. Nếu biết, chắc chắn bị cáo sẽ không đồng ý tăng vốn.
Khi được chủ tọa hỏi có ý kiến gì khi bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Trường cho biết mình có vi phạm, nhưng không phải là cố ý, mà do bị cáo không biết. Tờ trình của Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cũng không có thông tin nào về quy định này.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm (đều là nguyên thành viên HĐTV PVN) đều cho rằng mình không biết quy định của luật Các tổ chức tín dụng khi đồng ý góp thêm 100 tỉ đồng vào Oceanbank, duy trì tỷ lệ sở hữu 20% vốn của PVN tại đây.
Khi xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu đã đề nghị đưa bị cáo Đinh La Thăng và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV) ra ngoài. Sau khi bị cáo Phan Đình Đức trở lại trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng lại được yêu cầu ra ngoài. Bị cáo Đinh La Thăng không trở lại phòng xét xử cho đến hết phiên xét xử buổi sáng. 11 giờ 30 phút, chủ tọa quyết định kết thúc phiên buổi sáng.
Bình luận (0)