Ông Đinh Tiến Dũng: Hà Nội quyết liệt khép kín đường vành đai, đường sắt đô thị

25/03/2024 11:04 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chiến lược, trong đó có việc khép kín các đường vành đai, đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 25.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển thủ đô.

Giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc

Ông Đinh Tiến Dũng: Hà Nội quyết liệt khép kín đường vành đai, đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

GIA HÂN

Cụ thể, TP.Hà Nội đang phối hợp Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, cơ quan T.Ư khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án luật Thủ đô sửa đổi; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Dự kiến các nội dung này sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 6 tới.

Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt triển khai khép kín các đường vành đai, các cầu lớn qua sông Hồng, các trục hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường quốc lộ, các dự án liên kết vùng, các dự án trọng điểm của thành phố...

Đặc biệt, ngày 25.6.2023, sau 1 năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương, đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, tạo không gian phát triển mới cho thủ đô.

Cùng đó, theo ông Đinh Tiến Dũng, TP.Hà Nội cũng tiếp tục triển khai nghị quyết của thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; nghị quyết về chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch đầu tư về 3 mục tiêu - cải tạo, nâng cấp trường học, y tế và tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.

Cùng đó, triển khai đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; đề án cải tạo lại chung cư cũ; đề án phân cấp, ủy quyền. Hiện đã phân cấp, ủy quyền 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,3%. Ngoài ra, triển khai các biện pháp xử lý đối với các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai...

TP.Hà Nội cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như dự án xử lý nước thải, chất thải, xử lý môi trường, dự án nước sạch, chống úng ngập, đường sắt đô thị... Cùng đó là các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn.

Sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế hiệu quả 

Ông Đinh Tiến Dũng: Hà Nội quyết liệt khép kín đường vành đai, đường sắt đô thị- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tới dự hội nghị

GIA HÂN

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, xác định là "then chốt của then chốt", Thành ủy Hà Nội đã ban hành, chỉ đạo, quán triệt triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24 ngày 7.8.2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.Hà Nội.

"Có thể khẳng định, Chỉ thị 24 của Thành ủy Hà Nội là một công cụ hiệu quả để các tập thể và cá nhân tự soi, tự sửa, đồng thời cũng là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xem xét và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân khi có những biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc", ông Dũng nói.

Cùng đó, TP.Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế. Tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 26 sở, ngành, đơn vị.

Quyết liệt triển khai đổi mới phương thức quản lý, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động sự nghiệp.

Hà Nội cũng tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi dịch vụ sự nghiệp công lập; đặc biệt, đã triển khai xây dựng giá tạm thời và thực hiện thí điểm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.