Những trang sách cứu rỗi cuộc đời
Tôi gặp và đã được ông Siệu kể lại rằng: “Khi ấy, ông mới 20 tuổi, trong một lần đi phát nương cùng một người bạn trên núi cao, không may phát phải quả mìn, người bạn của ông bị mất đi đôi mắt, còn ông thì mất đi một bàn tay và một con mắt. Một hôm, đang ngồi bó thuốc cho ông, cha ông nói: Nếu cứ đốt rừng phá núi mãi, thì không chỉ đời mình, mà đời con, đời cháu cũng không được sống yên ổn. Giờ bố còn sống, con phải học lấy cái chữ để mà làm người, ít nữa tao về với tổ tiên còn biết đường ăn nói. Sách vở trong nhà từ mấy chục đời truyền lại, con cố học để hiểu, may ra mai này có thể giúp con cháu, giúp dân bản sống sao cho an ổn, cho hợp với phong tục, đạo lý của người Dao”.
Và rồi ông Tẩn Vần Siệu được cha mình, một thầy dạy chữ Nôm Dao có tiếng làm lễ khai tâm. Người Dao quan niệm, nghi thức này sẽ khai mở cho lòng dạ, trí tuệ của con trẻ được thông suốt, toàn tâm hướng về việc học. Những trang sách dãi dầu thời gian đã cứu rỗi cuộc đời ông. Ông hiểu cái lẽ rằng phải truyền dạy những gì mà thủy tổ Bàn Vương đúc kết qua hàng trăm năm trong những pho sách cổ ấy cho những người dân trong bản. Từ đó, không chỉ dạy cho học trò chữ Nôm Dao, mà dạy trò cả những hiểu biết của mình và những kiến thức trong sách cổ.
Tôi được biết cuốn sách cổ có tên là Thung sâu. Những trang sách chứa đựng những ghi chép về đời sống văn hóa tinh thần, về đạo đức nhân sinh; kiến thức về núi rừng, thời tiết, vạn vật; những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và dạy các nghề thủ công.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn: “Chúng tôi nghĩ là sách cổ như bách khoa toàn thư của người Dao. Nên văn hóa người Dao chứa đựng trong sách cổ là nổi bật, các dân tộc khác cũng có văn hóa nhưng thường văn hóa đó sống trong phong tục tập quán, sống trong những câu chuyện kể. Nhưng ở người Dao thường được ghi trong sách cổ, tôi rất quan tâm tới vấn đề đó. Người Dao Đỏ có cuốn Thung sâu, cuốn đó gần như là cẩm nang, người Dao đi đâu cũng dùng cuốn đó. Muốn lên nương làm gì? Khai thác rừng như thế nào? Đánh cá như thế nào? Đều sử dụng hướng dẫn trong sách cổ”.
|
Chín năm với bao tâm huyết
Trên con đường nhỏ lên Sín Chải lầy lội và trơn, các em nhỏ dân tộc Dao Đỏ vượt dốc đến nhà thầy Tẩn Vần Siệu. Xa xa những làn khói bay ra qua những khe cửa, ngôi nhà gỗ nhỏ nằm khuất trong rừng cây lúc nào cũng lãng đãng sương mây. Bên trong ngôi nhà nhỏ, bếp than cháy rực tỏa khói cay xè mắt, nghệ nhân Dao Đỏ vẫn miệt mài viết những dòng chữ Nôm trên chiếc bảng tự chế đã cũ, còn các học trò ngồi kín nhà ông cũng cặm cụi từng nét. Điều kỳ lạ ở lớp học này là học trò đủ lứa tuổi, chủ yếu là nam giới, có cháu nhỏ mới học lớp 4, lớp 5, còn có những người tóc đã điểm bạc.
Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu chia sẻ: “Lớp học thường bắt đầu từ ngày mùng 1 tết đến hết ngày 15 tháng giêng, nhưng có năm nhiều học trò ở các tỉnh xa đến nhà tôi từ giữa tháng 11 âm lịch để học chữ, hết rằm tháng giêng mới về”. Kể cũng lạ, học trò đến học không phải đóng một đồng học phí nào. Học trò nào cũng chỉ cần mang theo một cân gạo, một lít rượu để làm lễ nhận thầy. Nhà thầy chật hẹp, học trò ăn ngủ ở đây có khi phải chen chúc nhau, nhưng ngày tết cũng thêm vui vầy, có rau ăn rau, có thịt ăn thịt.
Tuy tuổi đã cao, sức khỏe và mắt đều yếu nhưng thầy vẫn vượt dốc hàng cây số xuống trường dạy chữ và dạy những bài hát của dân tộc Dao cho các cháu nhỏ. Buổi học nào mưa to, ông không đi được thì các em nhỏ lại cắp sách vở lên nhà thầy để học.
Em Lý Phù Seng, học sinh của lớp học chữ Nôm Dao, chia sẻ: “Dân bản chúng em tự hào về thầy Siệu lắm. Thầy được phong tặng nghệ nhân ưu tú là sự ghi nhận cả một quá trình nghiên cứu, học hỏi không ngừng nghỉ của thầy. Thầy hiểu biết rộng, rất giỏi chữ cổ Nôm Dao. Chúng em thế hệ trẻ được thầy chỉ bảo, hướng dẫn tận tình để hiểu biết những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Chín năm với bao tâm huyết ông dành cho những lứa học trò của mình thì nay đã được đền đáp. Lý Láo Lở là học trò xuất sắc của thầy Siệu. Lở làm Giám đốc Công ty thuốc tắm Dao Sapanapro. Sách cổ người Dao chứa đựng những hiểu biết đáng kinh ngạc về thực vật, các loại dược thảo và y thuật. Ngày còn theo học ở nhà thầy Siệu, thấy Lở chỉ ham mê với những gì viết về cỏ cây, dược thảo, thầy Siệu bảo: “Lúc đầu tôi nghĩ Lở sau này muốn làm nghề thầy lang. Không ngờ, Lở lại nuôi một ý định kinh doanh dựa trên những gì học được về thuốc tắm”.
Ngày ngày lớp học cũng là nhà của thầy trên đỉnh núi này, mỗi mùa hoa đào bung nở, học trò khắp nơi lại nô nức băng rừng vượt núi cả trăm cây số xa xôi tìm đến đây “tầm sư học đạo”. Xuân qua hạ đến, “ông đồ” của bản Dao Đỏ đã dạy chữ Nôm Dao cho trên 300 học trò khắp nơi, từ Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, đến Thái Nguyên.
Bốn mùa cứ trôi qua như thế, người thầy bị mất một bàn tay và một con mắt vẫn cần mẫn tình nguyện mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho hàng trăm học trò ở khắp nơi và luôn đau đáu với việc truyền dạy chữ viết, sách cổ của người Dao.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức
|
|
Bình luận (0)