Lần thứ hai trong lịch sử, nước Mỹ lại có một tổng thống làm việc trong hai nhiệm kỳ không liên tiếp như ông Trump. Người đầu tiên là ông Grover Cleveland đắc cử lần hai cách nay hơn 130 năm.
Bể kế hoạch tại... trời
Trước khi đến Đồi Capitol để làm lễ, vợ chồng ông Trump dự tiệc trà thân mật với vợ chồng người tiền nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng theo truyền thống. Sau đó, họ cùng đến địa điểm diễn ra nghi lễ chính thức. Như thông lệ, nghi thức tuyên thệ nhậm chức diễn ra vào 12 giờ ngày 20.1 (tức khuya qua, giờ VN). Tuy nhiên, do cái lạnh thấu xương tại thủ đô Washington D.C, buổi lễ nhậm chức đã lần đầu tiên sau 40 năm phải diễn ra bên trong tòa nhà quốc hội thay vì phía trước tòa nhà. Trong buổi lễ bớt hoành tráng hơn nhưng không kém phần long trọng, theo sự điều hành của Chánh án Tòa án tối cao John Roberts, ông Trump đặt tay lên cuốn Kinh thánh và tuyên thệ trước sự chứng kiến của gia đình, thành viên quốc hội và hàng trăm quan khách.
Người Mỹ lạc quan về nhiệm kỳ Trump 2.0
Cuộc khảo sát do CBS News/YouGov thực hiện và công bố kết quả ngày 19.1 cho thấy 60% người Mỹ lạc quan về việc Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền. Tỷ lệ người có chung tâm trạng này khi ông Joe Biden nhậm chức năm 2021 là 58% trong khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là 56%. Cũng theo khảo sát, đa số người trả lời tin tưởng vào việc nền kinh tế Mỹ sẽ đi lên, giá cả hàng hóa thiết yếu giảm xuống, khả năng tài chính của người Mỹ được cải thiện, cũng như mang lại nhiều hòa bình, ổn định hơn cho thế giới.
Toàn bộ cựu Tổng thống Mỹ còn sống, trong đó có cả ông Biden đều đến dự lễ nhậm chức và chứng kiến việc chuyển giao quyền lực, điều mà ông Trump đã không thực hiện cách đây 4 năm cho ông Biden. Trong khi đó, ông Trump lại có động thái hiếm thấy khi mời nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài như Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Tổng thống Argentina Javier Milei đến dự buổi lễ. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được mời nhưng cử Phó chủ tịch nước Hàn Chính đi thay.
Một điểm đáng chú ý khác là hàng loạt đại gia công nghệ có tên trong danh sách khách mời. Ngoài tỉ phú Elon Musk, người đang là cố vấn quan trọng của ông Trump, những gương mặt nổi bật khác gồm Chủ tịch Amazon Jeff Bezos, Tổng giám đốc (CEO) Apple Tim Cook, CEO Meta Mark Zuckerberg, CEO Google Sundar Pichai và CEO TikTok Châu Thụ Tư. Toàn bộ doanh nhân và công ty kể trên đều đóng góp cho lễ nhậm chức của ông Trump và các buổi tiệc liên quan. Trong đó, không ít người đã thay đổi thái độ để kết thân với nhà lãnh đạo trong thời gian gần đây. Theo NBC News, ủy ban lễ nhậm chức của ông Trump nhận được hơn 200 triệu USD từ các nhà tài trợ, số tiền quyên góp lớn kỷ lục trong lịch sử các lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Mặt khác, cũng vì lý do thời tiết mà sự kiện xem lễ nhậm chức qua màn hình lớn phía ngoài Điện Capitol với hơn 220.000 vé mời được phát cho công chúng bị hủy, quyết định mà ông Trump cho là đúng đắn để đảm bảo an toàn. Thay vào đó, sự kiện được tổ chức bên trong Nhà thi đấu Capital One với sức chứa chỉ 20.000 chỗ ngồi ở thủ đô. Sau các nghi thức tại tòa nhà quốc hội, vị tổng thống thứ 47 đến nhà thi đấu và thực hiện màn diễu hành tại đó thay vì dọc Đại lộ Pennsylvania như truyền thống, theo AP.
Bắt tay ngay vào việc
Ông Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai với hàng loạt thay đổi so với hồi năm 2017. Trái với hình ảnh một chính trị gia "non trẻ" thời điểm đó, ông Trump giờ đây đã dày dặn trong đối nội lẫn ngoại giao và có nhiều kinh nghiệm hơn trong cách nhìn người, chọn nội các. Bốn năm ngoài nhiệm sở vừa qua cũng tạo điều kiện để ông Trump và đồng minh chuẩn bị nền tảng cho những thay đổi "nhanh chóng và mạnh mẽ" sau sự trở lại lần này.
Ông Trump thừa nhận khó thực hiện những lời hứa tranh cử?
"Trong vài giờ sau khi nhậm chức, tôi sẽ ký hàng chục lệnh hành pháp, thực tế là gần 100", ông Trump tự tin tuyên bố tại buổi mít tinh mừng chiến thắng với chủ đề "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" tại Nhà thi đấu Capital One vào đêm 19.1. Năm 2021, ông Biden ký 22 sắc lệnh trong tuần làm việc đầu tiên, số lượng kỷ lục của thời hiện đại.
Theo Reuters, các hành động hành pháp đầu tiên của ông Trump tập trung vào việc siết chặt quy định nhập cư, bãi bỏ các quy định của chính quyền tiền nhiệm liên quan năng lượng, môi trường và ban hành các loại thuế nhập khẩu mới lên hàng hóa nước ngoài. Tại buổi mít tinh hôm 19.1, ông Trump cũng tuyên bố sẽ loại bỏ văn hóa "thức tỉnh cực đoan" khỏi quân đội Mỹ và chỉ thị xây dựng lá chắn tên lửa mới cho Mỹ tương tự hệ thống Vòm Sắt của Israel.
"Bốn năm dài suy tàn của nước Mỹ sẽ bị che phủ lại, và chúng ta bắt đầu một ngày hoàn toàn mới của sức mạnh, sự thịnh vượng, phẩm giá và niềm tự hào của người Mỹ", ông Trump nói.
TikTok "sống lại" nhờ ông Trump
Ứng dụng chia sẻ video TikTok đã hoạt động trở lại tại Mỹ sau khi ông Trump nói sẽ khôi phục việc truy cập nền tảng này khi ông quay lại Nhà Trắng. Chính quyền tiền nhiệm của ông Trump đã ban hành luật quy định công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc ứng dụng sẽ bị cấm. TikTok hôm 18.1 ngừng hoạt động ngay trước thời hạn quy định nhưng đã khôi phục "nhờ nỗ lực của Tổng thống Trump". Phát biểu tại sự kiện hôm 19.1, ông Trump nói "phải cứu TikTok" và cam kết kéo dài hạn chót đối với công ty để tìm kiếm một thỏa thuận. Theo ý kiến của ông, Mỹ phải sở hữu 50% TikTok.
Bình luận (0)