Theo CNN, tăng chi tiêu chính phủ cho cơ sở hạ tầng là bước đầu để ông Trump hiện thực hóa lời đã nói. Cả tỉ phú bất động sản và đối thủ thuộc đảng Dân chủ Hillary Clinton đều cam kết trong cuộc vận động tranh cử rằng sẽ chi tiêu nhiều hơn vào việc sửa đường sá, cầu cống Mỹ bên cạnh nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là ý tưởng kinh tế tốt nhất của họ.
“Chúng ta sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng, những gì sẽ trở thành hàng đầu”, Tổng thống vừa đắc cử nhắc lại trong bài phát biểu mới nhất.
Phố Wall và các lãnh đạo doanh nghiệp sau đó cổ vũ lời nói này và bỏ phiếu bằng chính tiền của họ. Cổ phiếu công ty thép và xây dựng tăng hôm 10.11. Nhiều người kỳ vọng cơ sở hạ tầng là mục tiêu đầu trong danh sách những gì phải làm trong lĩnh vực kinh tế của ông.
“Chúng tôi cho rằng cơ hội của một dự luật lưỡng đảng về dự án cơ sở hạ tầng kéo dài nhiều năm là chín muồi”, chuyên gia kinh tế Joseph Bruselas thuộc hãng kế toán và thuế RSM nói. “Chúng tôi kỳ vọng những ưu tiên của ông Trump sẽ là chi tiêu cơ sở hạ tầng và giảm thuế”, Janus Capital Group nhắc lại.
Cơ sở hạ tầng là yếu tố có lợi hoàn toàn cho ông Trump vì đây cũng là cách để bơm tiền vào nền kinh tế nhằm tạo thêm việc làm, kích thích tăng trưởng. Business Roundtable, nhóm vận động hành lang kinh doanh, ca ngợi “các chính sách ủng hộ tăng trưởng” của ông Trump sáng 10.11. Nhóm này cho hay chi tiêu cơ sở hạ tầng và cải cách thuế là hai chính sách mà các lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ.
“Dự đoán của tôi là gói 500 tỉ USD. Với đảng Cộng hòa chiếm ưu thế ở Thượng viện lẫn Hạ viện, gói đó có thể được thông qua”, David Kotok, Chủ tịch Cumberland Advisors ở Florida (Mỹ) cho biết.
Để chính phủ tiêu thêm tiền vào cơ sở hạ tầng cũng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hài lòng. Ông Trump từng chê bà Chủ tịch Fed Janet Yellen trong chiến dịch vận động tranh cử, nhưng bà Yellen cùng nhiều nhà hoạch định chính sách Fed đã và đang kêu gọi Quốc hội Mỹ thêm kích thích tài khóa vì Fed gần như đã dùng hết cách có thể để thúc đẩy tăng trưởng, việc làm.
“Tôi nghĩ thông điệp của cuộc bầu cử này là nước Mỹ cần tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn”, chuyên gia David Bianco của Deutsche Bank cho hay.
Việc chi tiêu cơ sở hạ tầng có đủ sức nhân đôi tăng trưởng như ông Donald Trump muốn hay không vẫn còn phải đợi. Trong trường hợp tốt nhất, việc bơm tiền cho cơ sở hạ tầng thúc đẩy thêm doanh nghiệp chi tiêu. Dù vậy nó có thể chỉ nâng tăng trưởng trong vài quý trước khi trượt về lại mức 1,5% hay 2% mà Mỹ mắc kẹt trong thời gian gần đây.
Di chuyển nhanh về hướng cơ sở hạ tầng có thể giảm bớt nhiều lo ngại của giới kinh doanh về quan điểm cực đoan hơn của tân Tổng thống Mỹ đối với thương mại, nhập cư. “Dù ông Trump có mặt trên chiến dịch tranh cử khoảng hai năm, ông ấy vẫn là một người bí ẩn”, chuyên gia kinh tế Bernard Baumohl thuộc The Economic Outlook Group nhận định.
tin liên quan
Tân Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa ra sao với thương mại thế giới?Thương mại thế giới đã bị trì hoãn từ trước khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Giờ đây, một trong những động cơ chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đảo ngược.
Bình luận (0)