Ông Duterte, EU lên tiếng vụ tàu Trung Quốc 'phun vòi rồng’ vào tàu Philippines ở Biển Đông

22/11/2021 19:18 GMT+7

Trong hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Trung Quốc trực tuyến hôm nay 22.11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích vụ tàu hải cảnh Trung Quốc “cản trở, phun vòi rồng” hai tàu tiếp tế của hải quân Philippines ở Biển Đông hôm 16.11.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trong hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc trực tuyến 22.11

Chụp từ Clip

Cũng trong hội nghị nói trên, Tổng thống Duterte nói rằng Philippines căm ghét vụ tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu tiếp tế Philippines và rất quan ngại về những diễn biến tương tự khác. “Vụ này không cho thấy điều tốt đẹp về mối quan hệ giữa các quốc gia chúng ta và quan hệ đối tác của chúng ta”, ông Duterte phát biểu trong hội nghị, theo báo Philippine Daily Inquirer.

Tổng thống Philippines còn đề nghị Trung Quốc giữ cam kết cho ra Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu quả và bền vững. Ông nhấn mạnh vấn đề Biển Đông là một “thách thức chiến lược” không thể được giải quyết bằng vũ lực, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng và làm việc hướng tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Hôm 18.11, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. khẳng định một số tàu hải cảnh Trung Quốc đã “ngăn chặn và phun vòi rồng” vào hai tàu tiếp tế Philippines trong lúc những tàu này thực hiện sứ mệnh tiếp tế cho binh sĩ đóng trú trên tàu hải quân BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây vào ngày 16.11, theo Philippine Daily Inquirer. Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Philippines kiểm soát trái phép.

“Vụ việc này theo sau những hành động đơn phương từ các tàu của CHND Trung Hoa ở Biển Đông trong nhiều tháng qua”, phát ngôn viên Liên minh châu Âu (EU) Nabila Massrali nói trong một tuyên bố ngày 22.11, theo Philippine Daily Inquirer. Bà Massrali nhấn mạnh EU bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với “bất kỳ hành động đơn phương” gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Bà Massrali còn nói rằng EU nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các bên tôn trọng tự do đi lại ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần hoạt động ở Biển Đông

REUTERS

Chiều 18.11, trả lời phản ứng của Việt Nam về diễn biến trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng, nhất quán.

"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về luật Biển 1982, trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển và khu vực", bà Hằng nhấn mạnh.

Phó Tổng thống Harris: Mỹ sát cánh cùng đối tác, đồng minh đương đầu yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.