Ông già 'gân' lái Sidecar xuyên Việt

22/11/2015 15:01 GMT+7

Từ ngày về hưu, bạn bè thấy ông Nguyễn Thanh Bình và chiếc xe ba bánh rong ruổi nhiều hơn trên các con đường.

Từ ngày về hưu, bạn bè thấy ông Nguyễn Thanh Bình và chiếc xe ba bánh rong ruổi nhiều hơn trên các con đường. 

Hỏi thì ông bảo: “Giờ tôi là tỉ phú thời gian, không ràng buộc gì. Mỗi lần thèm đi thì lái xe hoặc rủ thêm bạn bè làm một chuyến du ngoạn từ Nam ra Bắc cho đã”.
Chưa kể các chuyến ngắn ngày, khoảng 4 năm trở lại đây, năm nào ông Nguyễn Thanh Bình cũng lái xe xuyên Việt một lần. Cá biệt năm 2014, ông đi 4 lần ngắm đủ cảnh sắc của 4 mùa, rõ rệt nhất là tiết trời vùng tây và đông bắc, ngắm lễ hội xuống đồng, dân đi cấy lúa, lúa xanh mơn mởn trên ruộng bậc thang, rồi đi đợi lúa chín, mùa hoa tam giác mạch, mùa hoa mận, hoa mơ, ngắm sương giăng mây phủ trên đồi… 59 tuổi, cái tuổi cũng ít có người nào vẫn còn đam mê với những cung đường vắng, ngoằn ngoèo, lái xe vượt đèo băng rừng, lội suối như ông. “Có gì đâu, tôi may mắn là từ thời trẻ làm công việc được đi nhiều nên biết nhiều hơn mọi người một chút. Rồi khi lớn tuổi, có điều kiện thì mình thực hiện những chuyến đi dài hơi hơn, hiểu đời sống của cư dân địa phương, đào sâu tìm tòi chớ không phải là các chuyến đi công tác chớp nhoáng nữa. Hầu hết các cuộc du hành của hội Sidecar chúng tôi đều di chuyển từ 10 - 15 ngày, có khi 20 ngày để đi cho đã”.
Ông già “gân” lái Sidecar xuyên Việt 2
Trên những hành trình dài, ngoài một vài người bạn chí thân, đồng đội của ông là một chiếc xe Sidecar 3 bánh huyền thoại. Những người trưởng thành vào những năm 1980 đều nhớ rõ hình ảnh yêng hùng của chiếc xe 3 bánh với thùng bên hông xe, một tài xế và 2 người đồng hành cùng băng băng trên các đoạn đường dốc cheo leo. Vốn dĩ, Sidecar sinh ra nhằm phục vụ mục đích quân sự, dùng để đi đến những vùng núi non hiểm trở. Và cũng vì đặc điểm dùng phục vụ cho những miền khó đi nên chiếc xe đặc biệt dễ tính. Ông Bình tâm sự: “Những kỷ niệm thời khốn khó khiến tôi luôn có thiện cảm đặc biệt với dòng xe đặc biệt này. Thời xưa mỗi lần đi đâu xa thì Sidecar là nhất, vì cơ động. Xe này đường càng xấu đi càng thích, thế mới thể hiện được bản lĩnh của người lái xe”.
Được sáng chế dùng đi mọi loại địa hình, nhưng Sidecar vẫn “kỵ rơ” với địa hình cát. Vì xe khá nặng, nên khi đi vào vùng cát chảy dễ bị lún sâu hoặc bị trượt nếu lao từ trên cao xuống. Đây vẫn là điểm yếu khiến các tay lái ngại thách thức. Lý thuyết là vậy nhưng với những tay chơi vì đam mê như ông Bình, không nơi nào có thể ngăn bước bánh xe của ông tới. Lâu lâu ông lại cùng bạn bè đi lên đồi cát ở Mũi Né (Phan Thiết) dạo vài vòng. “Đây được coi như những chuyến nghỉ ngắn của hội ba bánh. Từ Sài Gòn đến đây cũng gần nên chúng tôi cứ hẹn nhau buổi sáng lái thẳng ra đồi cát cắm trại tại đó. Chúng tôi vẫn luôn khuyên anh em nếu không tự tin thì cứ ngồi bên hông thùng thôi. Cứ bình tĩnh, cầm chắc tay lái là vượt qua được mớ cát trơn nhẫy đó”.
Lái xe Sidecar khó lắm, đó là nhận định chung của nhiều người. Một chiếc xe có gắn thùng bên cạnh có trọng lượng hơn 300 kg, khá là nặng đòi hỏi người lái phải có sức khỏe đủ để đẩy xe, đặc biệt là kỹ thuật điều chỉnh, vì ngoài tay lái, bên hông của người điều khiển còn có chiếc thùng xe, nếu không cân bằng được khi di chuyển rất dễ gây mất lái. Rất nhiều tay lái lụa lâu năm vẫn có thể bị mất cân bằng, đặc biệt là những khúc cua khuỷu tay áo như đi Sa Pa, Mã Pì Lèng, Đồng Văn rất dễ bị chênh vênh và lao vào vách núi. Tuy nhiên, đây là chiếc xe được đánh giá “chì” nhất, xe lỡ tai nạn có bị hư hỏng phụ tùng nào, nếu vẫn chưa tắt máy thì người lái có thể cố chạy thêm cả trăm cây số để đến trung tâm sửa chữa. Kể lại một kỷ niệm trong lần hư xe như thế, ông cho biết: “Đi Sidecar ở vùng núi chúng tôi yên tâm lắm. Đặc biệt là cung đường đi Tây Bắc, có nhiều lần hỏng xe ly kỳ lắm. Nhớ lại lần đi xuyên Việt cách đây 2 năm, có anh bạn trong đoàn xe trên đường đổ đèo ở Hà Giang thì va vào núi, phụt bánh trước bị cong sắp gãy, vậy mà anh vẫn còn lái thêm được vài chục cây số để về tới thị trấn, sửa lại rồi đi tiếp. Có bạn thì lốp xe bể vẫn có thể chạy vài chục cây số đường đá lởm chởm tới nơi có tiệm sử xe mới dừng lại. Chưa kể trường hợp xe có 3 máy nhưng vì bị té va vào đá nên hư hết 2 còn 1 máy vẫn chạy ngon lành. Cũng vì thế mà chúng tôi, những người ở thế hệ cũ, đời sống khốn khó, thích tái chế, tận dụng mọi thứ nên đến giờ vẫn mê dòng xe cũ đa dụng này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.