Sinh ra và lớn lên ở Giồng Trôm (Bến Tre), ThS Lê Trường An cho biết, anh được thấm nhuần lời dạy sống tiết kiệm của cha mẹ. "Mẹ tôi luôn biết tận dụng những thứ có thể dùng lại để không phải tốn kém mua mới. Theo bà đó là phí phạm", anh An kể.
Thực hành "ít muốn biết đủ"
Từ nhỏ, ThS Lê Trường An đã biết kiếm tiền và cảm nhận đồng tiền kiếm được không dễ. Khi lên TP.HCM học, anh càng cảm nhận sâu sắc việc cha mẹ mình bươn chải để lo cho mình học hành. "Thói quen tiết kiệm điện của tôi hình thành song song với lối sống "ít muốn biết đủ". Thời sinh viên, khi ở trọ tôi chỉ dùng quạt máy và về nhà khi học xong ở trường, đọc sách đủ lâu ở thư viện", Lê Trường An nói cách tiết kiệm điện của mình.
Theo An, có rất nhiều không gian học tập cộng đồng mà sinh viên có thể tham gia để không phải ở nhà trọ suốt ngày, sử dụng riêng các phương tiện có điện. Ngoài ra, việc ở ghép với nhiều người bạn cũng giảm việc mỗi người một cõi, tốn kém gấp nhiều lần.
Đến giờ, anh An ở nhà có máy lạnh riêng nhưng vẫn giữ thói quen đi tiệm cà phê làm việc để không phải bật máy lạnh cả buổi mà chỉ một mình trong không gian ấy. "Cà phê thì chắc chắn phải dùng, thì việc ra quán ngồi uống cà phê và tận dụng không gian quán có máy lạnh dùng chung cho khách mình sẽ không tốn điện khi ở nhà bật máy lạnh làm việc", ThS Lê Trường An kể.
ThS Lê Trường An cũng hay chia sẻ và dành lời khuyên sống "ít muốn biết đủ", kêu gọi sinh viên tiết kiệm điện. Anh cho rằng, tiết kiệm là thói quen phải được nhắc nhở từ người lớn giống như anh được cha mẹ "truyền miệng" mỗi ngày nên đã biến lý thuyết ấy thành hành động. Là người thầy, ít nhiều có ảnh hưởng tới sinh viên, anh cho biết, cũng muốn là "tuyên truyền viên", chia sẻ ý thức tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng để các bạn ý thức hơn tới tiêu thụ và sử dụng điện.
Tiêu thụ có chánh niệm
"Thật sự, không có gì quá khó khăn để tiết kiệm điện. Đi vào toilet ra nhớ tắt điện, hạn chế nấu các món ăn với thời lượng quá lâu mà chỉ để một mình mình thưởng thức. Đừng ở nhà cả ngày cả buổi và chiếm dụng một chiếc máy lạnh cho mỗi mình mình… Cứ vậy, ta tự nhắc mình và thay đổi từng chút sẽ thành thói quen lành mạnh cho bản thân, môi trường", anh tâm đắc bày tỏ.
Việc tiêu thụ của nhiều người hiện nay thường thiếu kiểm soát. Đôi khi chỉ vì… khuyến mãi mà mua nhiều món không thực sự cần thiết. Cứ mua vì cảm giác được khuyến mãi, để được tặng thêm nhưng quên mất nhu cầu thực, cứ thế trở thành "nô lệ" cho tiêu dùng, mua sắm.
Khi không tỉnh thức trong tiêu dùng thì trong tiết kiệm điện cũng sẽ như vậy. "Tôi thấy có nhiều người đi công tác, ở khách sạn, nghĩ rằng mình trả tiền rồi nên xài máy lạnh, mở đèn vô tội vạ; mở nước chảy mà không thèm tắt… Đó là suy nghĩ thiển cận, bởi mỗi sự hoang phí của ta đều gây áp lực cho môi trường và rồi sẽ tác động tiêu cực tới ta theo quy luật nhân - quả".
Đó cũng là điều mà ThS Lê Trường An nhận diện, để mỗi khi mở công tắc điện hoặc bật máy điều hòa, 'ông giảng viên' tiết kiệm điện luôn tự hỏi: "Bây giờ mình có thực sự cần, thời tiết có quá nóng hay đây chỉ là một thói quen vô thức?".
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)