“Tôi không phải là thầy”
Tiếp chúng tôi, ông Dũng khiêm tốn giải thích: “Tôi không phải thầy giáo vì không có bằng cấp gì cả. Tôi là người rất đam mê toán nên chỉ mở lớp hướng dẫn các cháu học bài, làm bài tập mà thôi. Các cháu trên lớp cũng chỉ gọi tôi bằng ông, xưng cháu cho dễ gần”. Ông Dũng có chiều cao khá khiêm tốn, đôi chân đi khập khiễng do bị bại liệt từ khi học lớp 1. Sau nhiều năm tháng được bố mẹ đưa đi chạy chữa nhưng cơ thể của ông cũng không thể lành lặn, chính lý do này ông chỉ học đến lớp 7 thì nghỉ học, chấp nhận thiệt thòi hơn so với chúng bạn cùng trang lứa.
Ông Dũngđứng lớp giảng bài môn toán cho các em học sinh |
PHẠM ĐỨC |
Những tưởng cuộc đời của cậu bé Dũng chỉ là những tháng ngày sống trong cảnh lệ thuộc vào người khác. Nhưng chỉ ít năm sau, nhờ biết chữ, lại tính toán nhanh và ham học hỏi nên chàng trai Dũng đã được chính quyền xã mời lên làm cán bộ Đoàn kiêm luôn cả công việc kế toán. “Tôi làm được một thời gian ở xã thì UBND huyện lại điều lên, cho làm cán bộ đo đạc. Làm được ít năm thì tôi xin nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo, một phần vì đã cưới vợ nên muốn phát triển kinh tế tại nhà”, ông Dũng nhớ lại.
Để tạo kế sinh nhai nuôi vợ con, anh Dũng “ngày xưa” học nghề sửa xe máy và tự mở tiệm tại nhà. Vì muốn có thu nhập khá hơn nên ông học tiếp nghề thợ mộc mở xưởng năm 1994. “Năm ấy, có hơn 30 em trên địa bàn huyện đang trong độ tuổi học sinh nhưng vì thi không đỗ vào lớp 10 và đại học nên xin vào xưởng tôi làm việc. Tôi hỏi các em có muốn đi học không thì đứa mô cũng bảo có. Sau đó tôi quyết định mở lớp, hướng dẫn học cho các em này vào ban đêm để chúng tiếp tục nuôi ước mơ đến trường. Ban ngày thì các em làm việc bình thường để có thu nhập cho gia đình”, ông Dũng tâm sự. Đó cũng là cơ duyên mà ông bất đắc dĩ trở thành một thầy giáo dạy học.
Năm 2010, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen |
Bán cả trâu bò mua bàn ghế
Để có kiến thức dạy học cho các em, ông đã phải tự mình tìm hiểu sách giáo khoa và nhờ thêm một số giáo viên bổ túc cách giải bài tập cho mình. Ông có 5 người con lúc đó cũng đang độ tuổi đi học, nên ông cũng nhiều lần nhờ cậy con mình hướng dẫn.
“Điều đáng mừng là toàn bộ hơn 30 em được tôi hướng dẫn đều thi đỗ. Riêng lớp đầu tiên này bây giờ có đứa làm công an, đứa vào quân đội hoặc làm cho các công ty. Thỉnh thoảng chúng lại về thăm, cứ cám ơn mình đã khơi dậy tinh thần học tập cho nó”, ông Dũng chia sẻ.
Thấy việc làm của mình góp phần giúp các em tiến bộ nên ông Dũng tiếp tục mở lớp dạy thêm cho nhiều em khác, nhất là học sinh hoàn cảnh khó khăn, tàn tật. Để có thiết bị dạy học, ông Dũng đã bán cả trâu bò để có tiền mua sắm bảng, bàn ghế và quạt mát phục vụ học trò. Năm tháng trôi qua, lớp học do ông Dũng đứng lớp cứ tăng dần, kể cả về sĩ số đến các cấp học. Tiếng lành đồn xa, nhiều em ở địa phương khác và cả ở Nghệ An cũng vào nhờ ông dạy học. Những em ở xa, vợ chồng ông Dũng cho ở lại ăn ở trong nhà để các em không phải vất vả đi lại.
“Đợt hè vừa rồi, có hơn 70 em học sinh từ cấp 1 đến THPT đến nhờ tôi dạy học. Buổi sáng dạy các em tiểu học, buổi chiều dạy cấp 2. Buổi tối thì tôi dành thời gian hướng dẫn cho các em ôn thi tốt nghiệp THPT. Kết quả thi THPT, toàn bộ hơn 20 em học chỗ tôi đều đạt điểm xét tuyển đại học rất cao, em thấp nhất được 21 điểm, cao nhất được 25 điểm”, ông Dũng bộc bạch.
Suốt 28 năm qua, ông Dũng đều đặn mở các lớp dạy hè và dạy thêm cho học sinh trên địa bàn. Những năm gần đây, nhiều học trò, phụ huynh muốn trả học phí nên ông cũng chỉ thu mỗi em 20.000 đồng/buổi và miễn “học phí” cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Ghi nhận những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, ông giáo Dũng nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về rèn luyện, học tập Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)