Ông giáo miền xuôi làm sống lại 'Chiếc áo vua ban' nơi vùng cao Quảng Trị

01/02/2022 15:44 GMT+7

Dòng họ người Pa Kô đã gìn giữ chiếc áo vua ban như một bảo vật. Qua thời gian, chiếc áo 'Vân phụng tiên y' rách sờn, tưởng như đã đi hết 'sứ mệnh' nhưng bất ngờ hồi sinh từ ý tưởng của một ông giáo miền xuôi…

Bảo vật của dòng họ Pa Kô kiêu hùng

Dù đều mang họ Hồ để tưởng nhớ Hồ Chủ tịch, nhưng những người Pa Kô sinh sống ở miền tây Quảng Trị vẫn còn nhớ đến dòng họ A Xớp. Từ hàng trăm năm trước, dòng họ này cai quản khu vực ở biên viễn, nay là xã Lìa (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) với nhiều vị thủ lĩnh dũng mãnh, đến nỗi được nhà vua triều Nguyễn ban tặng áo “Vân phụng tiên y”.

Người già ở vùng Lìa vẫn kể lại với nhau rằng, xưa kia, người của dòng họ A Xớp có đất đai rộng lớn, bò dê nhiều vô số. Tương truyền, những trai đinh của dòng họ A Xớp có sức vóc hơn người, lại rất dũng cảm… nên quy phục được những dòng họ khác.

Anh Hồ Văn Thuần, thuộc thế hệ thứ 5 của dòng họ A Xớp, kể về chiếc áo vua ban

Nguyễn Phúc

Anh Hồ Văn Thuần, thuộc thế hệ thứ 5 của dòng họ A Xớp, nay sinh sống ở xã Lìa kể với PV Thanh Niên trong ngày xuân rằng, trong kháng chiến chống Pháp, dòng họ A Xớp đã hiệu triệu dân bản đứng lên chống giặc. Trong đó, khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, người A Xớp đã giết được cả quan Tây trong cuộc giao tranh ác liệt, rồi lẩn trốn vào rừng sâu Quảng Trị.
Để trả thù, thực dân Pháp đã tìm về bản tàn sát nhiều người của họ tộc A Xớp, trong đó có 8 người bị chặt đầu, đốt nhà…

“Nhưng dù có bị đàn áp, họ tộc A Xớp chúng tôi vẫn không hề lùi bước. Bởi chúng tôi có niềm tự hào, lòng kiêu hãnh rất lớn đến từ “Vân phụng tiên y”, là chiếc áo mà vua triều Nguyễn đã ban tặng cho họ tộc như sự ghi nhận sự đóng góp lớn lao của chúng tôi trong việc bình yên bờ cõi, chống giặc xâm lăng”, anh Thuần nói.

Một phần của chiếc áo vua ban, qua thời gian đã cũ sờn

Nguyễn Phúc

Chiếc áo “Vân phụng tiên y” mà anh Thuần nhắc đến, sau cả trăm năm vẫn được họ tộc A Xớp giữ gìn, dẫu rách sờn đi rất nhiều bởi thời gian. Chiếc áo mà họ tộc A Xớp coi như báu vật, được thạc sĩ Lê Đức Thọ, một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Quảng Trị nhìn nhận là vật mà vua Nguyễn dùng để ban thưởng cho một số tri châu ở miền núi Quảng Trị.
“Sự ban tặng 'Vân phụng tiên y' thể hiện chính sách “Nhu viễn” (chính sách cai trị mềm dẻo đối với các người thiểu số miền biên viễn) của triều đình nhà Nguyễn với mục đích khuyến khích các tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện công việc quản lý thu thuế”, ông Thọ nói.

Theo ông Thọ, việc ban “Vân phụng tiên y” có từ thời vua Minh Mạng trở về sau, khi lãnh thổ đất nước được mở rộng, đặc biệt là ở Quảng Trị. “Áo 'Vân phụng tiên y' trước đây có thể có nhiều, nhưng giờ ở Quảng Trị chỉ còn 1 cái của dòng họ A Xớp. Áo được ban cho đời trước và được đời sau giữ gìn”, ông Thọ nhận định.

Ông giáo đi tìm... "Vân phụng tiên y"

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng có cơ duyên với “Vân phụng tiên y” khi được chuyển công tác làm hiệu trưởng trường tiểu học và THCS A Xing (thuộc xã Lìa, H.Hướng Hóa).

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng đã tìm thấy sự ly kỳ từ câu chuyện chiếc áo vua ban

Nguyễn Phúc

Mới chân ướt chân ráo đến ngôi trường mới, nhưng với bản tính thích tìm hiểu, thầy Trọng đã phát hiện trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã A Xing (nay là xã Lìa) thời kỳ 1930-2010” có chép: “Trong thời kỳ đánh đuổi thực dân, có 1 dòng họ được vua ban 'Vân phụng tiên y'”.
“Lần đầu nghe cái gọi là 'Vân phụng tiên y', tò mò, tôi đã đi tìm hiểu và cảm thấy thực sự thú vị”, thầy Trọng nói.

Thầy Trọng đã tìm đến nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử về cổ vật để “nhận dạng” Vân phụng tiên y. Ông cũng đã có những ghi chép tỉ mẩn về chiếc áo vua ban này. "Vân phụng tiên y" (Áo Tiên Vân Phụng) là một loại áo choàng, có 3 thân: 2 thân trước và một thân sau. Mỗi thân dài 120cm, rộng 64cm; cổ áo tròn, ống tay áo rộng; được may thủ công bằng 2 lớp vải, bên trong là lớp vải màu đà, bên ngoài là lớp vải lụa màu xanh da trời.

Trang trí hoa văn trên áo là hình chim phụng ẩn trong mây cùng với hàng chục dải lụa đai ngũ sắc.

“Toàn bộ chiếc áo được may, thêu bằng tay với kỹ thuật rất hoàn hảo. Từ đường nét đến việc phối trí màu sắc đã làm nổi bật chủ đề trang trí mà nghệ nhân muốn chuyển tải. Nhưng đáng tiếc, phần vải ở lớp bên ngoài đã bị mủn và rách nhiều chỗ. Do chưa được đính kết lại nên khi mặc vào những mảng rách tự bong ra để lộ lớp vải lót bên trong”, thầy Trọng cho biết.

Chiếc áo vua ban nay đã được bỏ vào tủ kính trang trọng

Nguyễn Phúc

Và khi đã hiểu "Vân phụng tiên y" là một hiện vật đặc biệt quý hiếm, có giá trị lịch sử, mang đậm giá trị văn hóa trong mối quan hệ giao lưu tộc người, giữa chính quyền trung ương với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (qua người đại diện được triều đình thừa nhận)..., ông Trọng đã có một ý tưởng táo bạo tiếp theo.

Gieo lòng tự hào vào lòng trẻ nhỏ

"Vân phụng tiên y" là vật chỉ được trao truyền cho thành viên thuộc nội thân. Sau khi người cha mất, người con trưởng được kế tục chức vị trưởng làng và chiếc áo này.
Hiện chiếc áo vua ban này được đặt ở nhà bà Ăm Thí (85 tuổi, thôn A Máy, xã Lìa, H.Hướng Hóa).

Ngôi nhà đặt chiếc áo "Vân phụng tiên y" nay là điểm sinh hoạt ngoại khóa của học trò vùng cao

Nguyễn Phúc

Thầy Trọng kể rằng, những ngày đầu đến tìm hiểu chiếc áo, ông đã may mắn được gia đình tin tưởng. Sau đó, nhờ sự tư vấn của một số nhà chuyên môn, ông đã đặt được chiếc áo vào trong 1 lồng kính, có đèn điện, vừa để trang trọng vừa để giữ gìn được lâu.
Chưa dừng lại, thầy Trọng đã biến chính ngôi nhà của bà Ăm Thí, nơi đang lưu giữ “Vân phụng tiên y”, thành một điểm ngoại khóa về lịch sử của học trò Trường tiểu học và THCS A Xing.

Một ngày xuân, PV Thanh Niên cũng may mắn tham gia vào buổi ngoại khóa đó cùng các bạn học trò. Nghe các thầy cô và hậu duệ của tộc A Xớp kể về lịch sử chiếc áo và những tấm gương của thủ lĩnh A Xớp, trong mắt các bạn nhỏ ánh lên sự thích thú. “Buổi ngoại khóa này giúp chúng em biết được dòng họ anh hùng của mình, về đồng bào người Vân Kiều Pa Kô. Em sẽ thể hiện lòng tự hào về dân tộc của mình bằng cách trân quý, giữ gìn, giới thiệu với bạn bè để bạn bè biết về dân tộc mình”, Hồ Thị Nguyệt, cô học trò lớp 9 nói ngay khi kết thúc buổi ngoại khóa.

Thầy Trọng say sưa nói về "Vân phụng tiên y" với các em học trò

Nguyễn Phúc

Buổi ngoại khóa trên chiếc nhà sàn của người Pa Kô

Nguyễn Phúc

Còn với thầy Trọng, ông muốn đây sẽ là hoạt động thường niên, các học sinh trước khi ra trường đều được đến đây để tham gia chương trình ngoại khóa. “Chúng tôi liên hệ với đơn vị bảo tồn, bảo tàng Quảng Trị để có những hỗ trợ về mặt kỹ thuật để bảo tồn chiếc áo này một cách lâu nhất. Thầy trò chúng tôi mong muốn sẽ cùng với những hậu duệ của họ tộc A Xớp viết tiếp những trang sử bi hùng, ly kỳ của 'Vân phụng tiên y' ”, thầy Trọng nói về khát vọng lớn của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.