Ông Huỳnh Đức Thơ: Đà Nẵng một ngày không có chỗ chứa rác là nguy hiểm ngay

05/06/2019 18:05 GMT+7

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho rằng công tác bảo vệ môi trường tại TP đang bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó công tác quản lý kém hiệu lực.

Ngày 5.6, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” nhằm đánh giá và ghi nhận các ý kiến trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Xả thải gia tăng, bộc lộ yếu điểm

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ đặt câu hỏi, liệu sau 10 năm xây dựng đề án, TP có sạch hơn không, có an toàn hơn không. Từ đó, ông nhận đinh “không dám chắc sẽ trả lời câu hỏi này là sạch hơn, an toàn hơn”.
“Sự bất cập khá rõ ràng liên quan đến vấn đề môi trường từ cây xanh, cung cấp nước sạch, ô nhiễm biển, những điểm nóng môi tường, ý thức của doanh nghiệp trong xả thải, năng lực điều hành của chính quyền còn nhiều bất cập”, ông Thơ nói.
“Cường độ xả thải gia tăng thì càng bộc lộ điểm yếu của chúng ta. Biển của TP lúc này chắc chắn sẽ không tốt hơn so với nguyên sơ của nó. Khi mà hệ thống thu gom, xử lý nước thải được đầu tư 5 - 7 năm về trước được đầu tư với một dự báo ngắn hạn, bây giờ đã quá tải”.
Theo ông Thơ, trước đây, một trận mưa lớn, kéo dài hàng tiếng đồng hồ nước thải mới tràn ra biển. Nhưng nay chỉ cơn mưa nhỏ, nước thải đã tràn ra biển. Trước đây, cơ sở dịch vụ ít hơn bây giờ mọc lên khắp nơi. “Sự kiểm soát của chúng ta lại lỏng lẻo, kém hiệu lực hơn”, ông Thơ nhìn nhận.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong bảo vệ môi trường tại TP ẢNH: HOÀNG SƠN
Nếu những khách sạn, nhà hàng đều có hệ thống đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, đầu tư hệ thống thiết bị đầy đủ, xử lý nước thải rồi gom vào hệ thống xử lý nước thải… thì sẽ không có nước thải ra ngoài.
Cũng theo ông Thơ, công tác quy hoạch, kế hoạch và dự báo chưa đạt được tầm nhìn dài hạn, biện pháp quản lý kém và không có hiệu quả.
Hệ thống nước thải dùng chung xây dựng trong 5 - 7 năm đã quá tải. Các nhà máy xử lý nước thải phải liên tục nâng cấp, các nhà máy giờ không còn không gian để mở rộng công suất như nhà máy nước thải Phú Lộc.
Hệ thống thu gom nước thải có tuổi thọ chỉ 7 - 8 năm. Cống trong khu công nghiệp bị vỡ, thủng, nước mưa tràn vào nhiều hơn nước thải.
“Nhân TP điều chỉnh quy hoạch chung sẽ đưa quy hoạch cấu trúc hạ tầng liên quan đến vấn đề môi trường, đạt được tầm nhìn dài hạn, tích hợp được những đòi hỏi về mặt khoa học công nghệ, dự báo để hệ thống tồn tại xuyên suốt trong hàng chục đến trăm năm”, ông Thơ nói.

“Tồn tại lớn nhất là năng lực bộ máy quản lý”

Chủ tịch Đà Nẵng cho biết, về chương trình đầu tư, Thành ủy và HĐND TP đã thông qua một số dự án trọng điểm, trong đó có nhiều dự án liên quan đến môi trường, đô thị.
TP thúc đẩy các dự án này để đạt được tiến độ đề ra do một số dự án đang có nguy cơ không đạt tiến độ đề ra.
Ông Thơ cho rằng “nói cho cao siêu” nhưng đến năm 2021 không có nhà máy xử lý rác thải rắn ở bãi rác Khánh Sơn, không xong hệ thống thu gom nước thải, xử lý nước thải ở phía đông… thì TP phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
“Đòi hỏi sự cố gắng, sự sáng tạo vượt qua những khó khăn về thủ tục, về đền bù giải tỏa… để huy động các nguồn lực. Những hạng mục chủ chốt được nêu ra trong các công trình trọng điểm phải thực hiện cho bằng được”, ông Thơ nhận định.
“TP này một ngày không có chỗ chứa rác là sẽ nguy hiểm ngay. Một tuần mà chưa xử lý được rác sẽ mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đến an toàn xã hội”.
Cống xả nước thải chưa được xử lý ra biển ẢNH: HOÀNG SƠN
Về hình thức đầu tư, Đà Nẵng không hẳn phụ thuộc đầu tư công mà theo hình thức kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, tiến tới xử lý môi trường và thu phí chứ không có bao cấp.
Cũng theo Chủ tịch Đà Nẵng, hiện nay, có nhiều đối tượng đang lạm dụng vào môi trường để giảm chi phí kinh doanh, điều đó là không công bằng nên phải được xử lý.
Nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp không chịu xử lý nước thải, xử lý không đạt, hay tìm biện pháp thoát vào hệ thống chung. Hàng trăm khu nhà hàng, khách sạn, quán tạm… hầu như không xử lý nước thải. Làm hệ thống xử lý nước thải, đăng ký đạt tiêu chuẩn xử lý môi trường cũng chỉ đối phó.
“Những đối tượng này đang thâm dụng, lạm dụng vấn đề môi trường gây phương hại đến môi trường rất lớn. Tồn tại lớn nhất hiện nay là năng lực bộ máy của TP. Việc đề ra và thực thi các chính sách thực hiện bảo vệ môi trường còn nhiều lổ hổng, còn thiếu”, ông Thơ thẳng thắn.
“Những cái đã có thì làm chưa tốt, những cái phát sinh thì lại chưa có chế tài. Về bộ máy còn quá nhiều bất cập cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Vấn đề xả thải có thể thấy, biết được rất nhiều nhưng gần đây chỉ mới xử phạt lác đác nhưng không bao nhiêu. Lâu lâu mới có vài trường hợp được xử lý vi phạm bảo vệ môi trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.