Trả lời phỏng vấn đài CBS News, nhà ngoại giao 99 tuổi nói: "Bây giờ Trung Quốc đã tham gia đàm phán, tôi nghĩ rằng sẽ có thay đổi và tôi cho là sẽ diễn ra trước cuối năm nay". Ông nói vào thời điểm đó, "chúng ta sẽ nói về các quá trình đàm phán và thậm chí là các cuộc đàm phán thực tế".
Công bố đề xuất hòa bình vào hồi tháng 2, Trung Quốc đã thể hiện mình là một trung gian hòa giải tiềm năng giữa Nga và Ukraine. Kế hoạch của Trung Quốc đã bị Mỹ và EU bác bỏ hoàn toàn. Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả một số điểm trong số 12 điểm của kế hoạch này là “phù hợp” với quan điểm của Moscow, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ hoan nghênh một số điểm của kế hoạch, nhưng khẳng định Kyiv sẽ không thỏa hiệp với Moscow dưới bất kỳ hình thức nào.
Việc Tổng thống Zelensky ra sắc lệnh từ chối đàm phán với chính phủ ông Putin chỉ là một trong số các chướng ngại vật mà Trung Quốc hoặc bất kỳ bên trung gian nào phải đối mặt.
Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa nước này và NATO, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5.5 nói rằng sẽ không tham gia đàm phán với ông Zelensky, một "con rối" trong tay phương Tây, mà sẽ tham gia trực tiếp với "chủ nhân" của Tổng thống Ukraine.
Tại Washington, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuyên bố công khai rằng Ukraine phải tự quyết định khi nào nên tìm kiếm hòa bình.
Vào hồi năm ngoái, ông Kissinger đã khiến Kyiv nổi giận vì đưa ra gợi ý rằng Ukraine nên quay lại tình trạng như trước cuộc xung đột, hoặc từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với Crimea và trao quyền tự trị cho Donetsk và Luhansk. Sau đó, ông đã gợi ý rằng những vùng lãnh thổ này trở thành cơ sở đàm phán sau khi ngừng bắn và Nga rút quân.
Lập trường của Moscow là sẵn sàng đàm phán với Kyiv nhưng với điều kiện Ukraine phải chấp nhận thực tế, bao gồm việc các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia đã bị Nga sáp nhập. Trong khi đó, Kyiv kiên quyết chỉ đàm phán sau khi Nga đã rút quân khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine.
Bình luận (0)