|
Chấn chỉnh hoạt động của 18 trung tâm bảo trợ xã hội
* Ở đây chúng tôi băn khoăn là sau khi phát giác sự việc, Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM có văn bản tố giác ông Dũng (nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội) có hành động dâm ô trẻ em nhiều lần. Văn bản này có bút phê của ông đề nghị chuyển cho bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, nhanh chóng xử lý, tham mưu cho lãnh đạo sở hướng giải quyết. Thế nhưng từ ngày 8.11, Sở LĐ-TB-XH nhận được văn bản nói trên đến ngày 17.11 bà Phụng vẫn chưa tìm hiểu vụ việc xong. Chỉ đến khi Báo Thanh Niên đăng tải (ngày 17.11) và có sự chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH mới nhanh chóng vào cuộc. Vậy có hay không tình trạng Sở LĐ-TB-XH bao che hay “ém” thông tin để giảm nhẹ tội cho ông Dũng?
- Không có chuyện bao che đâu! Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM báo cáo lên Sở LĐ-TB-XH vào ngày 8.11. Sau đó, tôi có bút phê giao cho Trưởng phòng Bảo trợ xã hội tham mưu trình cho Thường trực Ban giám đốc Sở LĐ-TB-XH. Ý kiến của lãnh đạo của Sở LĐ-TB-XH là sau khi tìm hiểu sẽ chuyển cho Cơ quan CSĐT hoặc tiếp tục xác minh. Do vấn đề này ảnh hưởng đến một con người, ảnh hưởng lớn đến xã hội nên cần phải tìm hiểu kỹ và cả tập thể Ban giám đốc Sở LĐ-TB-XH quyết định.
|
Tuy nhiên, ngày 8.11 rơi vào thứ sáu nên ngày thứ hai (11.11) cô Phụng mới nhận được văn bản đó. Cô Phụng lại xử lý hơi chậm, không trình hướng xử lý được vào ngày 11.11 mà tiến hành đi xác minh, thẩm tra. Khi công tác thẩm tra còn đang tiến hành thì ngày 17.11 Báo Thanh Niên đăng tải nên tôi chỉ đạo vào cuộc xử lý luôn. Chúng tôi không có ém nhẹm hay bao che cho hành động vi phạm của ông Dũng đâu.
Việc mà Sở LĐ-TX-XH cần làm là rà soát không chỉ công tác của Trung tâm Bảo trợ xã hội, mà tất cả 18 trung tâm bảo trợ trực thuộc sở, hoàn thiện lại quy chế, sửa đổi những quy định không phù hợp. Các đơn vị cũng phải tự rà soát, chấn chỉnh lại mình, duy trì lịch giao ban, lịch trực, trung tâm nào chưa gắn camera thì phải nhanh chóng hoàn thành. Hạn cuối trong tháng 12.2019, các trung tâm phải hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát để giúp kiểm soát, ngăn chặn hành vi tiêu cực của cán bộ, nhân viên.
Kiểm điểm trách nhiệm Ban giám đốc Sở LĐ-TX-XH và các trung tâm
* Vậy việc xử lý trách nhiệm của cá nhân và tổ chức để xảy ra sai phạm như thế nào?
- Chúng tôi sẽ kiểm kiểm trách nhiệm từ Ban giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Trong đó sẽ tập trung kiểm điểm Phó giám đốc sở phụ trách, Trưởng và Phó phòng bổ trợ xã hội, chuyên viên của phòng phụ trách mảng này. Còn ở dưới sẽ kiểm điểm tập thể Ban giám đốc trung tâm, cá nhân Giám đốc, các Phó giám đốc, trưởng và phó phòng quản lý hồ sơ, kíp trực… Đó là kiểm điểm về mặt chính quyền. Những người liên quan còn bị kiểm điểm về mặt Đảng nếu là đảng viên.
Tôi đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm khắc những người liên quan. Sau khi báo đăng, sự việc bị cả xã hội lên án, ảnh hưởng trên cả nước. Sáng nay (19.11), họp với 18 trung tâm bảo trợ xã hội, tôi có nói nhiều trung tâm không đóng ở TP.HCM mà ở Bình Dương, Bình Phước nhưng thực hiện quy chế khá tốt, còn Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở ngày tại trung tâm TP.HCM lại quản lý kém. Như vậy Giám đốc trung đó có xứng đáng không?
|
Trong cuộc họp sáng nay, vì quá bức xúc tôi nói chuyện khá gây gắt với lãnh đạo trung tâm. Giờ đây cán bộ và nhân viên có thêm thu nhập tăng thêm, tiền hỗ trợ bằng cấp (có bằng đại học được 3 triệu đồng/tháng), đời sống cán bộ và nhân viên của các trung tâm tuy còn khó khăn nhưng không khổ sở như trước đây.
Hiện Sở LĐ-TB-XH có tới 42 đơn vị trực thuộc trong đó đóng ở tỉnh có 12 đơn vị. Chỉ riêng 18 trung tâm bảo trợ xã hội công lập đang quản lý 6.300 đối tượng; các trung tâm cai nghiện ma túy có tới 12.000 học viên. Có chuyện gì xảy ra ở các trung tâm tôi đều phải chịu trách nhiệm cả.
Hợp tác với cơ quan công an xử đúng người, đúng tội
* Liên quan tới ông Dũng, tôi được biết ông này mới được xét viên chức 6 tháng, tức là trong bình xét ở trung tâm phải hoàn thành tốt công việc mới được đưa vào xét viên chức. Như vậy có thể thấy công tác quản lý ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội còn lỏng lẻo, hình thức?
- Quy trình sát hạch viên chức của ông Dũng đều đúng quy định. Theo tôi nắm được ông Dũng còn là cử nhân và từ một trung tâm khác chuyển về Trung tâm Hỗ trợ Xã hội.
* Một lần nữa xin hỏi ông là Sở LĐ-TB-XH sẽ xử lý nghiêm vụ việc và không bao che?
- Tôi khẳng định Sở LĐ-TB-XH sẽ hợp tác tốt, cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý nghiêm, đúng người đúng tội chứ không có chuyện bao che. Tôi cũng chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ Xã hội cử người đến động viên, xin lỗi và hỗ trợ gia đình các em bị dâm ô.
Giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội phải nắm rõ học viênÔng Nguyễn Minh Tấn cho biết thêm sáng 19.11, khi làm việc với lãnh đạo 18 trung tâm bảo trợ xã hội, ông đề nghị ban giám đốc phải tăng cường việc quản lý giám sát, tránh tình trạng làm Giám đốc Trung tâm mà khi hỏi học viên không biết ai cả. "Lãnh đạo Trung tâm phải nắm rõ học viên hay ít ra học viên nào mới đưa vào anh phải nhìn mặt, vỗ vai người ta một cái. Ngày xưa tôi làm chủ tịch ở xã có tới hơn 2.500 hộ tôi đều biết mặt, mỗi tháng đều có kế hoạch xuống các gia đình", ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, làm Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội phải biết cực trước thiên hạ, phải biết lắng nghe và chia sẻ, phải đi sớm về muộn. Bản thân ông Tấn làm Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thì khi nào cũng 6 giờ 30 có mặt ở cơ quan, 6 giờ chiều nếu không còn việc mới về. Nếu công việc cơ quan giải quyết chưa xong, ông Tấn sẽ đưa tài liệu, hồ sơ về nhà làm tiếp.
"Bữa nào đi họp Thành ủy, UBND TP.HCM mà về sớm trước 4 giờ chiều sẽ về cơ quan làm cho xong việc chứ không về nhà. Ở nhà tôi có một cái đèn, một cái bàn giống như góc học tập hồi xưa học phổ thông. Tôi cũng đề nghị các Phó giám đốc Sở có một “góc học tập” như thế để về nhà đọc thêm tài liệu, đọc xem các văn bản tài liệu cấp dưới trình lên đã đúng và chuẩn chưa", ông Tấn cho hay. |
Bình luận (0)