Do vậy, một nơi mà khách không phải đóng tiền, không bị làm phiền bởi những điều này rất được bạn đọc quan tâm.
“Nhà vệ sinh nam - nữ, đi tự do không cần phải hỏi; khỏi mua xăng dầu, chạy xe vô luôn; có phòng ưu tiên cho người già và người tàn tật. Mời quý khách rửa tay, rửa mặt và tắm cho mát rồi hãy đi. Xin quý khách đừng bồi dưỡng tiền cho nhân viên. Miễn phí tất cả”...
Bài viết về nhân vật có ý tưởng thể hiện những câu dí dỏm này bằng những tấm bảng gắn trong khuôn viên một cây xăng ở ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, H.Châu Thành, hướng lộ Tẻ đi Tri Tôn, Châu Đốc, An Giang do ông Nguyễn Văn Lính (60 tuổi) làm chủ nhận được rất nhiều ủng hộ của bạn đọc (BĐ).
|
Năng lượng tích cực
Giải thích về lý do ra đời những tấm bảng, ông Lính cho biết nhận thấy nhiều người từ các tỉnh đến An Giang tham quan thiếu nơi đi vệ sinh sạch sẽ, ông nảy sinh ý tưởng xây dựng 10 phòng vệ sinh khang trang và làm bảng thông báo đi vệ sinh miễn phí mà không cần hỏi hay đổ xăng. Đến nay, ông Lính có 3 cây xăng: 2 đặt ở H.Châu Thành, 1 đặt ở H.Tịnh Biên và cả 3 đều có những tấm bảng thông báo như trên.
Nhiều BĐ từng có những chuyến xe khách đường dài, hay những chuyến du lịch theo tour bày tỏ, từng có những cảm giác không mấy vui vẻ khi xe dừng lại ở các cây xăng có bán kèm theo nước uống, thức ăn, trái cây... cho khách. Tuy không còn cảnh “cơm tù” như nhiều năm về trước, nhưng thái độ của nhân viên ở một số các cây xăng, trạm dừng chân khiến BĐ bức xúc. Chưa kể, những tình huống không hay này khiến những chuyến đi du lịch tưởng rằng vui, lại để lại trong lòng BĐ những ác cảm đối với vùng đất đi qua.
“Chả bù với cây xăng H.H, xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, Cần Thơ! Xây cây xăng to đùng nhưng người đi đường nếu không đổ xăng thì xin mời ra ngoài mà đi vệ sinh nhé”, BĐ Quang Nguyen minh chứng.
Do vậy, BĐ Hung Van Trung Anh không khỏi xúc động trước những nghĩa cử “hào sảng, chân tình, chất phát...” của ông Lính (chủ cây xăng - người mà có BĐ ví von “tên Lính nhưng có tầm nhìn của tướng”) cũng như nhân viên. Thông qua việc làm tuy nhỏ này, nhiều BĐ như được tiếp thêm năng lượng tích cực, “cảm thấy thêm yêu đời, vì có những người tử tế và nhân hậu”.
Thu hút khách du lịch không chỉ sản phẩm...
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ sâu xa hơn, nhiều BĐ cho rằng đây là bài học cần cho ngành dịch vụ, du lịch học hỏi về đạo đức, lương tâm con người, nghề nghiệp, bởi ngành du lịch thường có tai tiếng là tiền “tip”, tiền “bo” nhiều hơn tiền lương.
Theo BĐ Nguyễn Đức Chánh, muốn ngành du lịch Việt Nam phát triển, trước hết phải có văn hóa về vấn đề vệ sinh, để mọi người dân có điều kiện nâng cao ý thức vệ sinh ở tất cả các dịch vụ dừng chân, nghỉ ngơi dọc đường; các quán ăn nhà hàng phải có cơ sở vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Thu hút khách du lịch không chỉ sản phẩm, kỷ vật du lịch, thắng cảnh tham quan du lịch và đặc sản ẩm thực du lịch mà còn điều kiện vệ sinh du lịch.
Đồng tình với quan điểm này, BĐ Nguyễn Văn Hà chia sẻ: “Mọi người nên xem đây là hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng là bộ mặt phát triển du lịch của nước mình”.
“Một mô hình tuy tự phát của người dân, nhưng rất đáng trân trọng và ghi nhận. Thật tuyệt khi cuộc sống có những tâm hồn và nhân cách tốt như vậy. Qua đây ta mới hiểu vì sao vẫn còn đó những việc cần làm ngay - nhất là dịch vụ du lịch. Sự đóng góp, chung tay của các công ty, nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề này sẽ tạo sự phát triển mạnh mẽ; giảm được sự manh mún, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy kiếm tiền mà không có sự đồng bộ để cùng đi lên. Sự ghen ghét, đố kỵ, giảm dịch vụ, phá giá dịch vụ... vô tình làm thụt lùi và có ấn tượng xấu trong con mắt mọi người. Cảm ơn nhiều những con người có tầm nhìn của một CEO”, BĐ Quỳnh Nguyễn nhận định.
Bình luận (0)