'Ông lớn' lại xin ưu đãi

11/07/2016 08:00 GMT+7

Làm ăn thua lỗ, bết bát nhưng một loạt doanh nghiệp nhà nước lại tiếp tục cầu cứu Chính phủ ban cho cơ chế, chính sách ưu đãi.

Đầu tháng 7.2016, Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO) gửi đơn cầu cứu khẩn cấp tới Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường, Cục Hải quan Hải Phòng xin tháo gỡ khó khăn khi nhập khẩu thép phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. Nguyên nhân, phía Tổng cục Hải quan không đồng ý cho thông quan 5.200 tấn thép phế liệu do không đủ điều kiện, hồ sơ nhập khẩu. Đặc biệt là việc doanh nghiệp (DN) chưa có giấy phép xác nhận đủ điều kiện môi trường.
Xin tiền, xin thuế, xin cơ chế!
Hiện TISCO cho biết đang chờ xin cấp phép từ Tổng cục Môi trường, nhưng do đã khai báo hải quan và hàng đã về đến cảng, nếu không được “cho qua” sẽ phải chịu thiệt hại lớn. “Các thiệt hại bao gồm chi phí lưu tàu tại cảng khoảng 4.500 -5.000 USD/ngày. Đây là chi phí rất lớn trong điều kiện sản xuất kinh doanh ngành thép gặp muôn vàn khó khăn, cạnh tranh do thép Trung Quốc bán phá giá”, TISCO cảnh báo và gây áp lực “nếu không được tháo gỡ thì thu nhập của trên 5.000 người lao động cũng bị ảnh hưởng”.
Trước đó do đầu tư không hiệu quả để lại các khoản thua lỗ lên tới cả nghìn tỉ đồng, thông qua SCIC, TISCO kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin ưu đãi một loạt chính sách thuế. Đề xuất bao gồm cả miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỉ đồng.
Chính phủ đang cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp được làm ăn bình đẳng với nhau nên không thể đồng ý cho những đòi hỏi phi thị trường kiểu như vậy được
TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT)

Với “đại gia” hàng hải Vinalines, sau một thời gian vật vã tái cơ cấu, tổng công ty này kiến nghị Bộ GTVT cho chủ trương bán 6 con tàu nhằm cải thiện kết quả kinh doanh vô cùng bết bát. Trong đó, có cả những chiếc mới nhất như Vinalines Ruby được đóng vào năm 2012. Nhưng đề xuất này chưa thấm vào đâu khi Vinalines còn được Bộ GTVT chấp thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước tiếp tục hỗ trợ cho các DN vận tải biển, trong đó có đề xuất xin cho các đội tàu của Vinalines tham gia vào vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như tham gia vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện đang trong quá trình xây dựng như Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 MR, Vĩnh Tân 4...
Bộ GTVT cho rằng trong điều kiện khủng hoảng của ngành vận tải biển, hàng hóa quốc tế khan hiếm, việc giành được quyền vận tải than cho các dự án nhiệt điện trong nước sẽ giúp Vinalines giảm bớt khó khăn; từng bước phục hồi, tạo cơ sở để tích lũy sức mạnh nội tại, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Sống bám
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết 31.12.2015, số tiền Chính phủ cam kết bảo lãnh để các DN, mà phần lớn là các “ông lớn” vốn nhà nước vay đã lên đến 25,98 tỉ USD. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dẫn đầu trong danh sách được bảo lãnh vay nợ là Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí (PVN), Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines)...
Được bảo lãnh, cho vay vốn giá rẻ... nhưng không ít DN làm ăn yếu kém để lại các khoản nợ tồn đọng, kéo dài đẩy Chính phủ vào tình thế phải xin Quốc hội gia hạn, giãn, xóa nợ thuế khi tiến hành cổ phần hóa. Tại các kỳ họp cuối Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã không dưới một lần đệ trình Quốc hội xóa nợ thuế cho các DN nhà nước (DNNN), tổng số tiền ước tính lên tới hơn 13.000 tỉ đồng. Nhưng các đại biểu đã cùng biểu quyết không đồng tình.
Thậm chí đại biểu Nguyệt Hường (Hà Nội) khá gay gắt khi cho rằng việc cho các DNNN được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt có thể làm quá trình cổ phần hóa, giao, bán, khoán được tiến hành thuận lợi hơn đôi chút khi các chỉ số tài chính trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm cho giá trị DN không được xác định đúng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư hoặc người tiếp quản tiếp theo; tạo cơ hội cho các DNNN hiện đang thuộc danh sách sắp xếp lại cố tình trì hoãn, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, hoặc cố tình không kê khai số tiền nợ thuế. Ngoài ra, chính sách này sẽ gây ra sự thiếu công bằng, minh bạch đối với các thành phần kinh tế khác.
Vắt kiệt bầu sữa ngân sách
Không tán thành với các đòi hỏi vô lý trên, TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT) cho rằng Vinalines đang thua lỗ, khó khăn thì phải cố gắng thay đổi quản trị, tìm kiếm thị trường, cải thiện năng suất và đưa ra phương án kinh doanh phù hợp chứ không thể xin xỏ mãi được. Đặc ân đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng đối với các DN thuộc thành phần kinh tế khác khi họ làm ăn tốt, hiệu quả. “Chính phủ đang cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để mọi DN được làm ăn bình đẳng với nhau nên không thể đồng ý cho những đòi hỏi phi thị trường kiểu như vậy được”, TS Hồ bình luận.
Vẫn theo chuyên gia này, hiện nay ngân sách đang vô cùng khó khăn, “bầu sữa” của nhà nước dần cạn kiệt, nên không thể để nuôi dưỡng, nuông chiều những “đứa con” lười nhác chỉ biết xin xỏ. “Kể cả cha mẹ có tiền đi chăng nữa cũng không thể cho tiền cái thói vòi vĩnh khiến con cái mình sinh hư”, TS Hồ nói và đề nghị thêm, với trường hợp của TISCO nếu Chính phủ đã rà soát, đánh giá được toàn bộ “sức khỏe” mà DN này không thể gượng dậy nổi thì cần thiết cho phá sản, bán tài sản thu hồi vốn.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhận xét nếu nhà nước vẫn rót thêm vốn vào những dự án như kiểu của Nhà máy gang thép Thái Nguyên là đối xử không công bằng với các DN tư nhân, chưa kể đây là cách ứng xử phi cạnh tranh, phi thị trường. Thay vì rót thêm vốn, theo ông Cung cần tìm những con người khác, cách thức khác để hồi sinh những dự án của DNNN đã thua lỗ. Cũng cần tính đến phương án bán những DN, dự án thua lỗ đi để chủ mới tái cơ cấu, giúp dự án, DN làm ăn hiệu quả hơn.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, nhận xét: Lâu nay các DNNN quen được ưu đãi quá nhiều từ thuế, đất đai, vốn, cơ chế... nhưng thực sự làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, có DN nợ nần chồng chất. Trong khi đó, cộng đồng tư nhân phải tự thân vận động, xoay xở từng đồng vốn lãi suất cao, gần như không có cơ chế gì hỗ trợ. Để các DN quốc doanh thực sự lớn mạnh thì cần phải hoạt động theo cơ chế thị trường, có cạnh tranh, tồn tại và phá sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.