'Ông lớn' Việt thâu tóm công ty ngoại

30/06/2018 16:04 GMT+7

Lịch sử mua bán sáp nhập ghi nhận nhiều ông chủ mới của các doanh nghiệp ngoại là người Việt.

Câu chuyện mới đây nhất, đã gây “sốt” trên thị trường mua bán sáp nhập và sản xuất ô tô là khi VinFast công bố mua GM Việt Nam.
1. Thâu tóm “ông lớn” xe hơi Mỹ
Ngày 28.6, VinFast - thương hiệu xe hơi của tập đoàn VinGroup - chính thức thâu tóm thành công thương hiệu xe hơi “đồ sộ” đến từ Mỹ Chevrolet (thuộc GM Việt Nam) từ năm 2019. Đây được coi là một bước rất dài trong cuộc đua trên thị trường ô tô của tân binh VinFast. Từ đây, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet, trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam.
Trước khi thuộc về VinFast, GM Việt Nam bán ra gần 10.600 xe vào năm 2017, nắm hơn 4% thị phần của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Đến hết tháng 5 vừa qua, GM đã bán gần 4.000 chiếc tại thị trường Việt. Các mẫu xe lắp ráp trong nước mang thương hiệu Chevrolet của GM tại Việt Nam gồm: Spark, Aveo, Cruze, Captiva, Orlando…
Liên quan đến xe hơi, năm 2012, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải từng đầu tư 3,5 triệu USD để sở hữu 51% cổ phần Công ty TNHH Công nghệ ô tô Soo Sung đến từ Hàn Quốc. Giá trị thương vụ này không lớn nhưng đây có thể coi là trường hợp đầu tiên một doanh nghiệp Hàn chấp nhận bán cho một doanh nghiệp Việt và nhường quyền chi phối công ty vào tay ông chủ Việt.
Tại thời điểm bán cho Trường Hải, Soo Sung là một trong năm công ty sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng hàng đầu tại Hàn Quốc, có vốn chủ sở hữu gần 4,1 triệu USD và sở hữu 29 quyền sở hữu trí tuệ, 5 bằng phát minh, sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sản xuất xe ô tô chuyên dụng.
Lắp ráp xe tại nhà máy của Trường Hải Đình Mười
2. Làm chủ “nguyên con” doanh nghiệp phần mềm từ châu Âu
Có thể nói, doanh nghiệp Việt khá “có duyên” với công nghệ Đức, khi cách đây 4 năm, năm 2014, Tập đoàn FPT gây tiếng vang lớn trong làng mua bán sáp nhập khi công bố mua lại công ty công nghệ thông tin tại châu Âu - Công ty RWE IT Slovakia - công ty con của một tập đoàn hàng đầu về năng lượng của Đức. Đây là thương vụ mua bán sáp nhập đầu tiên tại nước ngoài của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Theo thỏa thuận, RWE IT Slovakia trở thành 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi thành tên FPT Slovakia. Thương vụ này giúp FPT có thêm gần 400 chuyên gia và một danh sách dài khách hàng mới tại thị trường châu Âu. Đây cũng là cánh cửa lớn để tập đoàn chuyên sản xuất gia công phần mềm FPT đĩnh đạc sải bước vào thị trường châu Âu và rộng hơn là ra thế giới với những bước đi vững chắc hơn.
3. Đầu tư và mua lại công ty sữa của Mỹ, New Zealand và Campuchia
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao đoán già đoán non khi nào Vinamilk (Tổng công ty Sữa Việt Nam) sẽ về tay ông chủ Thái trước động thái mua gom cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, Vinamilk là một trong những nhà đầu tư trong nước “giong buồm” ra khơi khá sớm. Năm 2011, công ty đã đầu tư nhà máy bột sữa Miraka tại New Zealand, nắm gần 20% cổ phần, tổng đầu tư dự án là 90 triệu đô New Zealand. Đến nay nhà máy đã sang đầu tư giai đoạn 2.
Thương vụ đình đám thứ 2 là việc Vinamilk chi 7 triệu USD để nắm 70% cổ phần của một doanh nghiệp sữa Mỹ - Công ty sữa Driftwood Dairy - vào cuối năm 2013 và đến nay đã mua tiếp 30% để nắm toàn bộ công ty. Driftwood Dairy là công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa đậu nành, kem sữa…), nước hoa quả và đồ ăn nhẹ… Đặc biệt, đây là nhà phân phối sữa lớn nhất cho các trường học tại bang California. Doanh thu trước thời điểm bán cho Vinamilk là 100 triệu USD vào năm 2012.
Sau khi đầu tư nhà máy ở New Zealand rồi mua công ty sữa ở Mỹ, ngay đầu năm 2014, “ông lớn” ngành sữa Việt tiếp tục đầu tư 51% vốn góp vào Công ty Angkor Dairy Products Company Limited tại Campuchia, nắm quyền điều hành công ty sữa lớn của Campuchia. Nhà máy sữa này có công suất 19 triệu lít sữa mỗi năm, 80 triệu hộp sữa đặc... Chưa hết, thông tin từ Vinamilk cho thấy, công ty con của Vinamilk đang làm tốt việc xuất khẩu sữa tại các thị trường mới Thái Lan, Myanmar và châu Phi.
4. Mua công ty sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ, Hàn
Năm 2015, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) thâu tóm thành công Công ty Mass Noble của Mỹ, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu và hoán đổi với cổ phiếu của công ty nước ngoài. Đức Long Gia Lai khởi đầu là một doanh nghiệp chế biến gỗ tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, thủy điện, nhà hàng khách sạn... Ngành nghề mới sau này là nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, và mới nhất là sản xuất linh kiện điện tử. Với thương vụ mua Mass Noble, Đức Long Gia Lai sở hữu dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của nước ngoài có quy mô gần 3.000 nhân viên.
Nhà máy Samsung tại Hàn Quốc Đoàn Xuân Hải
Đây là thương vụ mang dấu ấn sự kiện quan trọng của doanh nghiệp, đánh dấu mốc Đức Long Gia Lai chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, khai thác thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhà máy đặt ngay tại thị trường 1,3 tỉ dân là Trung Quốc.
Sang năm 2016, Mass Noble - công ty con của Tập đoàn mua tiếp công ty Habit của Hàn Quốc, sáp nhập thành Công ty DLG-Hanbit Co. chuyên sản xuất thẻ nhớ, bo mạch, đèn LED… Lần mua bán sáp nhập thứ 2 này giúp doanh nghiệp sở hữu hoàn toàn công ty điện tử nước ngoài, con đường ngắn nhất trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các “đại gia” Samsung, Hyundai, LG…
5. Làm chủ công ty thức ăn lớn của Pháp
Năm 2015, Tập đoàn Masan gây chấn động trong làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 52% cổ phần Công ty cổ phần Việt - Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (thương hiệu Proconco) và 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) bằng việc mua lại 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Sam Kim sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science. Sang năm 2016, Masan cũng mua thành công tiếp 30% cổ phần còn lại của Anco, nâng sở hữu công ty lên 100%.
Thức ăn chăn nuôi là mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam Ngọc Thắng
Đây là bước đi chiến lược quan trọng trong kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất khép kín của doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2017, thị phần thức ăn chăn nuôi heo của doanh nghiệp có tăng lên 35% so với mức tăng 30% cuối năm 2016. Tuy nhiên sang quý 1 năm nay, mảng này sụt giảm, chỉ đạt 70-80%. Mục tiêu toàn tập đoàn doanh thu năm 2018 đạt 47.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.