Theo bạn, thành tích của U.23 VN tại SEA Games 28 là gì?
HLV Miura đang bị chỉ trích vì cách sắp quân ở trận gặp U.23 Lào - Ảnh: Khả Hóa
|
HLV Miura lịch sự chỉ nói nhiều đến mục đích cuối cùng của ông là dưỡng quân và xoay tua cầu thủ cho cuộc chiến đường xa SEA Games, chứ không thẳng tuột theo kiểu thắng 1 bàn hay 10 bàn cũng chỉ có 3 điểm.
Chính vì muốn học trò thích nghi với nhiều kiểu chơi khác nhau, ông đã xáo tung đội hình cho mỗi đối thủ khác nhau và sau hai trận thắng đậm là một lần thắng nhẹ U.23 Lào như cái nấc cụt.
Trong trận thắng khó 1-0 trước U.23 Lào, ông thầy người Nhật có thể chưa thể thỏa mãn với sự phối hợp của cặp tiền đạo số hai Văn Toàn - Thanh Bình lẫn thiếu tính đột biến ở hai biên của Phi Sơn - Đức Huy.
Thế nhưng nó đơn thuần chỉ là thử nghiệm của ông Miura cho những tình xuống có thể xảy ra trong tương lai khi rơi vào thế bế tắc, như việc ông đẩy tiền đạo Công Phượng xuống đá tiền vệ trung tâm nhằm khai thác hết khả năng của các học trò.
Cho nên không thể nói ông Miura thất bại vì chỉ thắng nhẹ U.23 Lào mà cái chính là ông cần 3 điểm thì đã đạt được.
Chỉ trích đến ngay sau U.23 Việt Nam làm nức lòng cản nước với chiến thắng 5-1 trước Malaysia - Ảnh: Khả Hòa
|
Có nhiều ý kiến cho rằng ông Miura không cho học trò đá theo một đội hình “cứng” dễ khiến họ đánh rơi cảm giác thân thuộc với nhau và điều nãy sẽ gặp nhiều bất lợi ở trận "knock-out".
Hơn nữa, rất nhiều cầu thủ bị đặt chơi trái kèo tận dụng tính đa năng thì bị chỉ trích là làm khó cho sự thích nghi của họ lẫn khó cho cả CLB khi trở về.
Thế nhưng đấy chỉ là những con tính của ông Miura đặt trường hợp không may thiệt quân do thẻ phạt hoặc chấn thương bất đắc dĩ không kịp trở lại thì ông đã có phương án dự phòng.
Cái sự luân phiên cầu thủ cho các trận đấu gần như thủ tục và gặp các đội yếu hơn còn là một cách giấu bài của ông Miura trước sự trinh sát của đối phương nhằm tạo sự bất ngờ ở những cuộc đấu có tính quyết định.
HLV Toshiya Miura vẫn lạnh lùng làm theo những quyết định của mình - Ảnh: Khả Hòa
|
Thực chất bóng đá SEA Games tại vòng bảng thường chỉ là những toan tính chiến thuật và chiến lược của các HLV nằm ở thế kèo trên cho cuộc đối đầu một mất một còn ở bán kết hơn là bộc lộ hết mình để rồi bị đối phương nắm bắt hết sở trường, sở đoản.
Khả năng phán đoán tình huống cho đến cách bày binh bố trận của mỗi HLV là khác nhau và chỉ có người trong cuộc mới hiểu mình cần cái gì.
Thế nên thật khó cho ông Miura chiều lòng dư luận vừa đá hay đá đẹp lại vừa thắng đậm khi cuộc chơi vẫn còn dài và khó lường. Riêng việc bỏ túi 3 điểm mà đạt mục đích giữ miếng, giữ quân và giữ lửa cho học trò đã là một điểm sáng của chiến lược gia người Nhật.
Thời điểm này ông Miura cần tính toán khả năng sẽ gặp đối thủ nào ở bán kết và bày ra cách chinh phục hơn là bận tâm vào các trận đấu đã qua bị mỉa mai nhưng lại đúng với ý đồ của ông.
Bình luận (0)