Ông Miura muốn 'đè' Thái Lan để làm 'trùm' Đông Nam Á

09/04/2015 11:59 GMT+7

(TNO) Chướng ngại lớn nhất cho tham vọng vô địch của thầy trò Toshiya Miura ngoài một U.23 Malaysia khó lường thì ứng cử viên U.23 Thái Lan chính là đối thủ lớn nhất của U.23 Việt Nam.

(TNO) Chướng ngại lớn nhất cho tham vọng vô địch của thầy trò Toshiya Miura ngoài một U.23 Malaysia khó lường thì ứng cử viên U.23 Thái Lan chính là đối thủ lớn nhất của U.23 Việt Nam.
HLV Miura đã tạo được dấu ấn khi dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Bạch Dương
Trong khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) còn đang lưỡng lự về việc chọn đội U.19 có tăng cường chơi thử nghiệm ở SEA Games 28 nhằm tạo đà cho chiến dịch SEA Games… hai năm nữa nên không đặt nặng thành tích thì ông Miura tự nhận chỉ tiêu vô địch. Nó giúp cho VFF lẫn cấp trên Bộ VH-TT&DL thở hắt ra như trút đi gánh nặng chỉ tiêu luôn làm đau đầu họ trước mỗi trận đánh lớn.

Thực tế thì việc ông Miura tự mình đặt ra tham vọng chinh phục ngôi cao nhất Đông Nam Á ở lứa tuổi U.23 không phải mới. Bởi nó giống như các đời tiền nhiệm đều đưa ra cái đích phấn đấu để giữ ghế cho mình và cũng chỉ là giấc mơ sau hơn nửa thế kỷ, từ lần đoạt chức vô địch SEAP Games đầu tiên năm 1959.

Hơn nữa, ông thầy người Nhật sau khi giúp đội U.23 Việt Nam đoạt vé chơi vòng chung kết U.23 châu Á chắc chắn không muốn dừng lại mà còn mong ước vào top 10 đội mạnh nhất châu Á sau… 10 năm nữa.
U.23 Malaysia sẽ là đối thủ đáng lưu ý của U.23 Việt Nam - Ảnh: Bạch Dương
Trong số những đối thủ lớn nhất của U.23 Việt Nam tại sân chơi Đông Nam Á sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này, ông Miura ngắm nghía rất kỹ đến U.23 Malaysia và đặc biệt là U.23 Thái Lan.

Ông Miura luôn nhấn mạnh U.23 Việt Nam không kém học trò của đồng nghiệp Kiatisak về trình độ, dù mới thua 1-3 ở trận giao hữu gần đây và nuôi mộng sẽ thắng U.23 Thái Lan để đăng quang SEA Games 28.

Thế nhưng giới hâm mộ vẫn có những suy nghĩ ái ngại cho ông Miura khi nhìn vào nền bóng đá Việt Nam với Thái Lan luôn có một khoảng cách nhất định.

Đơn giản như việc ông Miura mỗi lần tập trung đội tuyển phải cần hơn cả tháng để uốn nắn lại mọi thứ cho học trò và đặc biệt là các bài nhồi thể lực giúp họ bảo đảm sức khỏe chạy suốt 90 phút. Điều này khác hẳn với Kiatisak hội quân nhiều nhất là nửa tháng bởi họ luôn có những đợt gom quân xen kẽ trong những ngày không đá Thai-League.

Người Thái cũng không có chuyện tạm dừng giải vô địch quốc gia hơn 2 tháng để đội tuyển U.23 tập luyện trong lúc các CLB chỉ tập chay cầm chừng rồi è cổ trả lương cho cầu thủ suốt khoảng thời gian không làm nhiệm vụ.
HLV Kiatisak đã tạo ra một đội bóng mạnh - Ảnh: AFP
Điều này lý giải vì sao cầu thủ Thái Lan luôn giữ ổn định phong độ của mình và tiết kiệm được rất nhiều thời gian học lại các bài kỹ, chiến thuật cơ bản. Đẳng cấp của cầu thủ Thái Lan đã cải thiện rất đáng kể khi họ chịu du nhập và học hỏi mô hình tổ chức của giải Ngoại hạng Anh giúp nâng chất Thai-League, kéo theo hiệu ứng khán giả đến sân rất đông.

Thời của Kiatisak còn chơi bóng cách đây hơn 10 năm thì V-League luôn là mảnh đất màu mỡ cho cầu thủ Thái Lan lẫn các ngoại binh chất lượng cao. Bây giờ Thai-League mới là sân chơi tiêu chuẩn và hấp dẫn đã tạo ra một thế hệ cầu thủ Thái mới có ý thức chuyên nghiệp cao.

Dễ thấy nhất là hình ảnh của CLB Buriram đá giải AFC Champions League dẫn đầu bảng trước các đối thủ lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong khi nhà vô địch V-League B. Bình Dương đá đâu thua đó nặng nề.

HLV Miura sau hơn một năm dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam đã đạt một số thành công nhất định và giấc mơ thắng Thái để vô địch SEA Games không phải là cao sang quá.

Vấn đề không chỉ mỗi ông Miura đơn độc với quá trình tìm đường qua mặt đội tuyển Thái trong một trận đấu mà phải cần đến bộ máy VFF vạch ra một chiến lược khả thi để nâng cấp bóng đá Việt Nam bắt kịp bóng đá Thái Lan mới cho ra một kết quả bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.