Ông mụ của những loài cá quý

08/02/2021 07:40 GMT+7

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nghề nuôi cá bè chẳng có gì lạ, nhưng thuần dưỡng và cho sinh sản hàng chục loài cá quý tự nhiên như cá cóc, trà sóc, cá hô, chạch lấu, xác sọc, cá koi, vồ cờ... thì chỉ có vợ chồng ông Bảy Bon.

Trầm mình trong vèo (ô nuôi cá được ngăn bằng lưới) nuôi cá quý, ôm con cá hô nặng gần 40 kg vuốt ve, ông Bảy Bon nói: “Loài cá này ở ngoài tự nhiên đạt trọng lượng vài trăm ký là bình thường. Xưa kia, mỗi khi nó xuất hiện trên sông, quẫy đuôi một cái, sóng nước ầm ầm, ai thấy cũng sợ nên gọi là thủy quái. Thực ra cái nết nó hiền khô, toàn ăn rong, rêu”. Thú vị hơn, sống chung vèo với bầy cá hô còn có những con cá hồng vĩ mỏ vịt, cá trê cọp nặng vài chục ký, hai loài cá “khủng” đặc trưng của vùng Amazon, cũng được ông Bảy Bon nuôi bảo tồn.

Từ lời khuyên của người thầy Pháp

Cuộc đời ông Bảy có lẽ rất khác bây giờ nếu 25 năm trước ông không gặp tiến sĩ Phillip Serene, một chuyên gia bảo tồn thủy sản đến từ Pháp. Năm đó, ông Phillip Serene đến đồng bằng sông Cửu Long theo một dự án bảo tồn cá tự nhiên trên sông Hậu, một nhánh chính của dòng Mê Kông. Còn Bảy Bon là nhân viên hải quan Cà Mau. Một lần, trong lúc làm thủ tục nhập khẩu hàng cho Phillip Serene, thấy vị khách Tây nói tiếng Việt sõi, ông Bảy lân la bắt chuyện.
Ông mụ của những loài cá quý1

Sau một ngày lao động, ông Bảy Bon và vợ thường cùng nhau ngồi tận hưởng thú massage cá koi

Biết Bảy Bon là kỹ sư thủy sản, tiến sĩ Phillip Serene kể nhiều về công việc bảo tồn cũng như việc thí nghiệm cho những loài cá sông Mê Kông sinh sản. Hợp ý nên cả hai kết bạn rồi thành thân quen. Ít lâu sau, Bảy Bon tôn Phillip Serene làm thầy và xin đi theo ông trên hành trình gần nửa tháng ngược dòng Mê Kông sang Campuchia, Thái Lan. “Thấy tôi đam mê cá, thầy Phillip Serene gợi ý, thế giới chỉ có một dòng Mê Kông hùng vĩ, hãy dựa vào sông mà nuôi cá làm giàu. Chỉ cần nuôi và biết bảo tồn các loài cá của dòng Mê Kông sẽ có cơ hội làm giàu, không cần phải đi đâu”.

Chìm, nổi dưới sông

Mấy ai ngờ lời khuyên của chuyên gia phương Tây đã biến anh nhân viên hải quan Bảy Bon thành lão thuần hóa ngư thứ thiệt như bây giờ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 2000, vợ chồng Bảy Bon quyết định vay 400 triệu đồng đóng bè cặm mé cồn Sơn để nuôi cá. Đó là nơi được tiến sĩ Phillip Serene nhận định nước xoáy, giàu ô xy, nhiều thức ăn, dinh dưỡng, rất lý tưởng để nuôi thủy sản. Bảy Bon nộp đơn xin nghỉ việc, lên Cần Thơ khởi nghiệp dưới sông.
Bè cá của vợ chồng ông Bảy cũng là nơi tiến sĩ Phillip Serene và cộng sự lưu trú thí nghiệm cho cá sinh sản. “Hồi đó, các thầy nhập giống cá điêu hồng từ Đài Loan và Thái Lan về cho sinh sản thành công. Sau đó là cá bống tượng, cá rô đầu vuông, thác lác cườm...”, bà Trần Khánh Phượng, vợ ông Bảy Bon, nhớ lại. Cũng trong năm 2000, lứa cá tra đầu tiên sinh sản nhân tạo ra đời. Vài năm sau, cá tra trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó các loài cá chạch lấu, xác sọc, cá cóc, cá hô cũng dần được Bảy Bon cho sinh sản thành công.
Nhờ các “quân sư” hỗ trợ, vợ chồng Bảy Bon khá lên, nhanh nhất là những năm 2001 - 2004, giai đoạn hoàng kim của cá điêu hồng. Giá thành nuôi chưa tới 10.000 đồng/kg mà bán thương phẩm 30.000 - 35.000 đồng/kg. Lời nhiều, ông Bảy đóng thêm bè, rồi cơi nới nuôi cá khác để “dự bị” phòng khi điêu hồng thất thế.
Ông mụ của những loài cá quý2

Du khách thăm bè cá của vợ chồng ông Bảy Bon thích thú khi được giới thiệu những loài cá quý được bảo tồn tại đây

Những năm 2007, 2008, dân đổ xô nuôi cá điêu hồng, giá cá bắt đầu tuột dốc. “Khủng khiếp nhất là năm 2011, chẳng hiểu từ đâu họ đồn ăn cá điêu hồng bị ung thư, vậy là cá đầy bè mà không bán được. Mất trắng vài tỉ đồng, cầm cố nhà cửa đất đai, tưởng đâu không ngóc dậy được”, Bảy Bon kể lại. May là năm 2012, vợ chồng ông đã cho cá thát lát sinh sản thành công. Từ “dự bị”, cá thát lát được đôn lên nuôi chính, giúp vợ chồng Bảy Bon “lấy lại những gì đã mất”. Đến giờ, đây vẫn là loài chủ lực ở bè cá Bảy Bon, mỗi năm sản lượng không dưới 700 tấn. Để thoát cảnh bị thương lái ép giá, 6 năm trước vợ chồng Bảy Bon còn “chơi lớn” vay vốn mở luôn xưởng sản xuất chả cá thát lát, cá thát lát rút xương, vừa chủ động nguyên liệu vừa tìm hướng xuất khẩu đưa cá “bơi” xa.

Trả ơn Mê Kông

Hơn 20 năm làm “bà mụ” cho cá, khác biệt lớn nhất vợ chồng Bảy Bon tạo dựng không chỉ về mặt kinh tế mà ý nghĩa hơn là việc cho sinh sản được nhiều loài cá vốn chỉ sống trong tự nhiên. Những bầy cá lạ có, quen có được thuần dưỡng, sống hài hòa dưới dòng phù sa Mê Kông. “Mỗi loài có tập tính riêng, để ý sẽ giúp chúng cộng sinh. Như bè thát lát bao giờ cũng có vài con cá hô, điêu hồng. Chúng là loài mang to, ngưỡng ô xy lớn nên khi nước có vấn đề sẽ trồi lên mặt nước báo hiệu đầu tiên”, Bảy Bon nói.
Mấy năm gần đây, người dân cồn Sơn rủ nhau hợp tác làm du lịch cộng đồng, bè cá của Bảy Bon trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn nằm ngay cửa ngõ. Khách tới bè cá ông Bảy ai cũng thích thú khi được ngắm nhiều loài cá lạ, cá quý, có loài ít thấy mà được thuần dưỡng như thú cưng.
Như cá koi (xuất xứ Nhật Bản) vốn khó nuôi, nhưng vợ chồng Bảy Bon cho sinh sản đều đều, số lượng hơn 13.000 con. Giữa vèo cá koi, Bảy Bon bắc cây cầu gỗ. Khách du lịch đến đây được ngồi trên cầu, đung đưa chân xuống mặt nước, rải một ít thức ăn, xem cả ngàn con cá koi nổi lên giành ăn, trườn qua, trườn lại như massage chân cho khách.
Cạnh đó là bầy cá mang rổ - những cung thủ dưới nước chuyên biểu diễn biệt tài phun tia nước mạnh, chính xác hạ gục con mồi. Những loài như cá leo, chạch lấu, hô, xác sọc, éc, tra bần, lăng, he, ba sa, cá cóc... cũng được giới thiệu với du khách để họ hiểu hơn về dòng Mê Kông. “Cá heo nằm ngủ lật bụng, kêu ục ục như heo. Cá trà sóc phóng cao như con sóc. Cá éc, cá mè hôi, cá he như công nhân dọn vệ sinh, cần mẫn rỉa sạch rong rêu, hàu, ốc và cả phân cá khác. Cá hô, tra dầu như thủy quái Mê Kông”, Bảy Bon kể.
Sống nhờ nuôi cá nên phải trả ơn con sông, thế nên mỗi lần thu hoạch, vợ chồng Bảy Bon đều xúc mẻ cá thả về tự nhiên như một lời nguyện. Mỗi năm vào mùa sinh sản, ông bà đều cùng bạn bè thả hàng chục tấn cá giống về tự nhiên. “Giờ đây, mình không lo thị trường mà chỉ ngại môi trường, lo con nước thay đổi. Năm ngoái, lưỡi mặn về đến cầu Cần Thơ, bầy cá xác sọc đã tìm cách vượt lồng bơi đi”, Bảy Bon nói. Trầm ngâm một hồi ông bảo, con nước thay đổi, kiên trì sẽ thích nghi được, sẽ nuôi thử những loài cá nước lợ. Là người mê bảo tồn cá, ông chỉ mong sao có quy định cấm đánh bắt tận diệt, ít nhất là ở khu vực cồn Sơn. Để có một đoạn sông yên bình, mỗi mùa nước nổi, cá tôm Mê Kông quy tụ về, sinh sản rồi theo phù sa bơi đi...
Nông dân yêu nước
Ông Bảy Bon tên đầy đủ là Lý Văn Bon (58 tuổi, quê Cà Mau), ngụ cồn Sơn, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Ông hiện có 30 lồng nuôi cá bè các loại; mỗi năm xuất hàng ngàn tấn cá, tạo việc làm thường xuyên cho 30 người. Ông còn tham gia làm du lịch cộng đồng, đón hơn chục ngàn du khách mỗi năm. Với thành tích nổi bật đó, mới đây ông Bảy Bon vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen tại Đại hội nông dân thi đua yêu nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.