Bức xúc vì trồng nhầm cây giống kém chất lượng, ông Nguyễn Trí Nghiệp (61 tuổi, ngụ xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã đi khắp nơi tìm cây ăn trái chất lượng cao về thuần dưỡng, nhân giống và trở thành chủ cơ sở cây giống nổi tiếng xứ cù lao.
Ông Nghiệp bên cây dừa dứa sai trái của mình - Ảnh: Thanh Đức |
Làm thương hiệu vì nạn cây giống giả
Ông Nghiệp nhớ lại vào những năm 1980, khi xứ cù lao chủ yếu là ruộng lúa, thì ông lại nghĩ đất đai nơi đây hợp với các loại cây ăn trái. Từ đó, ông lên liếp lập vườn, tìm mua cây giống của những người chèo ghe trên sông từ Bến Tre sang bán.
“Họ nói cây giống tốt nhưng sau mấy năm trồng tôi rất thất vọng vì không giống như họ giới thiệu. Tức quá, tôi đi khắp nơi tìm giống cây chất lượng. Phải tận mắt thấy trái ngon, quả ngọt, màu đẹp tôi mới mua về, giá cao bao nhiêu cũng được. Sau 3 năm sưu tầm, vườn tôi đã có nhiều giống cây ưng ý. Từ đó, tôi chiết ra trồng khắp vườn và cho bà con trồng thử. Chỉ vài năm sau, thành quả mang lại từ những giống cây của tôi cho rất khả quan nên bà con ai cũng phấn khởi”, ông Nghiệp kể.
Những ngày này, đến cơ sở cây giống chất lượng cao của ông Nghiệp dễ dàng bắt gặp những đoàn khách quốc tế đến tham quan. Nhiều du khách tấm tắc khen các loại trái cây đặc sản cùng với những loài cây lần đầu có tại VN… Ai cũng ngạc nhiên vì mỗi năm cung cấp hàng trăm ngàn cây giống ra thị trường nhưng cơ sở của ông chỉ rộng khoảng vài trăm mét vuông.
“Những cây giống nơi đây chỉ để quảng bá cho khách tham quan. Còn cơ sở của tôi nằm khắp nơi ở xứ ươm cây giống Chợ Lách (Bến Tre). Do không có đất rộng nên khi nhận hợp đồng cung cấp cây giống, tôi tìm đến mua cả vườn ươm của họ. Sau đó, cho kỹ thuật đến ghép bo và ký hợp đồng để họ chăm sóc đến khi chúng tôi giao cây. Làm như vậy, giống cây tôi bán ra đạt chất lượng, vừa tạo việc làm và trách nhiệm cho chủ vườn ươm”, ông Nghiệp chia sẻ.
Quảng bá cây giống từ du lịch
Từ năm 1985, ông Nghiệp đã bắt tay vào xây dựng cơ sở để tuyển chọn, nhân giống cây ăn trái phục vụ phát triển kinh tế vườn nhưng mãi đến năm 2006, ông mới hoàn thiện đăng ký bảo hộ hàng hóa sản phẩm. Trong đó có khá nhiều sản phẩm ông lai tạo có tiếng trên thị trường như: mít nghệ cao sản M99-I, chanh dây không hạt, ổi xá lị không hạt, chôm chôm nhãn Rôngriên, sầu riêng CVHL Ri6... Đặc biệt, từ khi đăng ký thương hiệu Vườn giống chất lượng cao Island, bình quân hằng năm doanh số bán ra của cơ sở tăng khoảng 40% so với trước khi đăng ký.
Chưa dừng lại, ông Nghiệp bắt đầu phát triển thương hiệu cây giống. Thậm chí năm 2002, ông còn xây dựng trang web nhằm giới thiệu, tiếp thị các chủng loại cây giống chất lượng cao, cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái trên mạng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà vườn… dù thời đó internet chưa phổ biến.
Mặc dù việc sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển nhưng ông Nghiệp nhận thấy cần phải mở rộng việc quảng bá cây giống ra nước ngoài. Cụ thể là xây dựng một khu tham quan việc sản xuất cây giống nhằm giới thiệu cho khách hàng quốc tế, đồng thời tận dụng mảnh đất sẵn có để tăng thu nhập cho gia đình. “Dù lượng cây giống bán ra từ việc giới thiệu cho khách “ngoại” không nhiều như mong muốn nhưng cũng có những tín hiệu khả quan. Rất nhiều khách mua lẻ về trồng, rồi sau một thời gian họ quay lại mua với số lượng lớn. Đây được xem là bước đầu thành công khi tôi chuẩn bị phát triển sản phẩm ra nước ngoài”, ông Nghiệp cho biết.
Từ những sáng kiến của mình, ông Nghiệp đã nhận được nhiều giải thưởng, huy chương, bằng khen và được bình chọn Thương hiệu Bạn nhà nông Việt Nam. Đặc biệt, năm 2015, ông Nghiệp được tuyên dương Nông dân tiêu biểu xuất sắc cấp T.Ư.
Ông Võ Văn Vũ, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Ông Nghiệp là một trong những nông dân sản xuất cây giống chất lượng đầu tiên của tỉnh. Ngoài việc tham gia hỗ trợ cây giống cho dự án phát triển kinh tế vườn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vùng và cả nước, ông Nghiệp còn kết hợp với các dự án của nước bạn Lào, Campuchia để sản xuất. Mỗi năm, ông Nghiệp thu lợi hàng tỉ đồng từ cây giống và du lịch”.
Bình luận (0)