Ông Nguyễn Hòa Bình nêu giải pháp để 'chánh án không thể xử theo ý mình'

27/03/2024 06:46 GMT+7

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, quy định phân công thẩm phán ngẫu nhiên sẽ giúp triệt tiêu tình trạng 'ông chánh án muốn xử theo ý mình thì phân công cho ông thẩm phán có quan hệ tốt'.

Chiều qua 26.3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 nhiệm kỳ khóa XV thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo, nhằm sửa đổi luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực.

Tại dự thảo luật, TAND tối cao đề xuất chánh án TAND các cấp sẽ quyết định phân công ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm giải quyết các vụ án, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan. Đây là điểm mới so với luật hiện hành.

Ông Nguyễn Hòa Bình nêu giải pháp để 'chánh án không thể xử theo ý mình'- Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

PHẠM THẮNG

Ngăn ngừa "ông chánh án xử theo ý mình"

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, quy định như trên "thế giới đã có từ lâu", sẽ giúp đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, tránh trường hợp "ông chánh án muốn xử theo ý mình thì phân công cho ông thẩm phán có quan hệ tốt".

Vẫn theo Chánh án tòa tối cao, dù luật Tổ chức TAND năm 2014 chưa quy định về phân công thẩm phán ngẫu nhiên nhưng hiện nay TAND tối cao đã có thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

"Một số vụ án phải phân công cho thẩm phán có năng lực, và đương nhiên việc phân công cũng phải là ngẫu nhiên trong số các thẩm phán có năng lực, chứ không chỉ duy nhất một người", ông Bình cho hay.

Thông tư mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhắc tới là Thông tư số 01/2022 của TAND tối cao (có hiệu lực từ 1.2.2023), quy định về việc phân công thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.

Thông tư này quy định 2 phương thức phân công giải quyết án. Thứ nhất là phân công chỉ định, thứ hai là phân công ngẫu nhiên.

Phân công chỉ định được áp dụng với các vụ án hình sự phức tạp liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoặc vụ việc liên quan đến bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm…

Các trường hợp còn lại phải thực hiện bằng phương thức phân công ngẫu nhiên. Căn cứ vào danh sách thẩm phán và danh sách vụ việc, chánh án sẽ phân công ngẫu nhiên cho thẩm phán thụ lý giải quyết.

Một trong những nguyên tắc được áp dụng là thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ít hơn sẽ được phân công trước, nếu bằng nhau thì xét đến các yếu tố khác như số lượng án tạm đình chỉ, số lượng án quá hạn luật định…

Tòa án nào đáp ứng được điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin thì thực hiện phân công án ngẫu nhiên theo phương pháp tự động dưới sự hỗ trợ của phần mềm và thiết bị điện tử.

Trường hợp không đáp ứng được thì phân công giải quyết án ngẫu nhiên theo phương pháp thủ công do bộ phận hành chính tư pháp, công chức, người lao động tòa án thực hiện.

Ông Nguyễn Hòa Bình nêu giải pháp để 'chánh án không thể xử theo ý mình'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy ủng hộ luật hóa quy định phân công thẩm phán ngẫu nhiên

PHẠM THẮNG

"Cứ là thẩm phán thì có thể được phân công bất cứ vụ án nào"

Cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hoan nghênh việc luật hóa quy định phân công thẩm phán ngẫu nhiên.

Theo bà Thủy, đây là nguyên tắc tiến bộ trong quản trị tòa án, được rất nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, đảm bảo tính khách quan và phòng ngừa tiêu cực ngay từ khâu phân công án.

Nguyên tắc trên cũng sẽ liên quan trực tiếp đến ngạch thẩm phán, không có chuyện thẩm phán vừa được bổ nhiệm thì chỉ được giải quyết vụ án đơn giản, thẩm phán bổ nhiệm lâu năm chỉ giải quyết vụ án phức tạp.

"Cứ là thẩm phán được bổ nhiệm theo quy định là có thể được phân công bất cứ vụ án nào, theo hình thức ngẫu nhiên", bà Thủy nói và tán thành với đề xuất trong dự thảo luật chia 2 ngạch thẩm phán gồm thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng cần xây dựng nguyên tắc phân công thẩm phán và hội thẩm tham gia xét xử. Nguyên tắc đó có thể là luân phiên, theo số lượng vụ án, vụ việc, hoặc một nguyên tắc cụ thể nào khác đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật tố tụng.

Bà Nga nhận định nếu để sự phân công ngẫu nhiên hoàn toàn do chánh án quyết định thì rất có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán trong quá trình xét xử, bởi thẩm phán dễ chịu sự chi phối trong quá trình xét xử do chánh án phân công.

"Ngẫu nhiên mà không nguyên tắc sẽ dễ dẫn tới sự không khách quan trong quá trình phân công thẩm phán", nữ đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.