Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Không nước nào công chức làm ít giờ, công nhân làm nhiều giờ'

23/10/2019 15:02 GMT+7

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc tồn tại 2 nhóm người với 2 chế độ về thời gian làm việc ở nước ta hiện nay là bất bình đẳng.

Đức chỉ làm 26 giờ/tuần nhưng năng suất cao nhất thế giới

Chiều 23.10, thảo luận về vấn đề thời giờ làm việc bình thường tại dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ giai đoạn Karl Marx, công nhân phải làm việc từ 10 - 16 giờ/ngày nên hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm.
Tiêu biểu là vào ngày 1.5.1886, công nhân biểu tình ở Chicago (Mỹ), đòi ngày làm việc 8 giờ thay vì 10 giờ, đồng thời yêu cầu ngày làm 8 giờ nhưng không giảm tiền lương.
Sau đó 3 năm thì Hội nghị Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Paris (Pháp) do Marx-Angel chủ trì đã chọn ngày 1.5.1890 là ngày Quốc tế Lao động, đấu tranh ngày làm 8 giờ.
Dẫn chứng trường hợp nhà tư bản sản xuất xe hơi của Mỹ là Henry Ford là người đầu tiên chuyển sang thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ và 6 ngày mỗi tuần, ông Nhân cho biết, nhà tư bản này sau đó đã thử nghiệm ngày làm 8 giờ nhưng chỉ làm 5 ngày mỗi tuần thì thấy rằng năng suất không những không giảm mà còn tăng.
“Ông Henry Ford là nhà tư bản đầu tiên đã chuyển từ chế độ làm việc 6 ngày mỗi tuần sang 5 ngày mỗi tuần và sau đó nhiều nước đã làm theo”, ông Nhân nói và cho biết tới năm 1940, Mỹ đã thông qua luật 1 tuần làm 40 giờ (tức làm 5 ngày mỗi tuần). Sau đó, tới khoảng những năm 1950 - 1960 thì các nước đều chuyển từ 48 giờ sang 40 giờ mỗi tuần.
“Người ta đã chứng minh từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng”, ông Nhân nói thêm.
Ở Việt Nam, ông Nhân cho biết, từ những năm 1960 tới nay, công chức làm việc 8 giờ mỗi ngày, tuần làm 6 giờ. Tới năm 1999 thì chuyển sang 5 ngày theo thông lệ quốc tế. “Tức là ta đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ”, ông Nhân nhấn mạnh.
Từ đó, ông Nhân cho biết, ở Việt Nam hiện tồn tại 2 nhóm người: người làm cho nhà nước thì 5 ngày, doanh nghiệp thì 6 ngày, 48 giờ/tuần. “Rõ ràng điều này không bình đẳng. Ở các nước không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định chung cho đất nước”, ông Nhấn nhấn mạnh.
Theo ông Nhân, trên thế giới, từ năm 2000 tới nay, nhiều nước không còn giữ chế độ 40 giờ lao động mỗi tuần mà giảm dần. Trong 36 - 38 nước trong Tổ chức kinh tế thế giới, chỉ còn 2 nước quy định số giờ làm việc trên 40 giờ, còn lại đều hạ xuống dưới 40 giờ. Nước Đức chỉ làm 26 giờ/tuần nhưng vẫn là nước có năng suất cao nhất thế giới.
Từ đó, ông Nhân đề xuất Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm. Trước mắt, có thể xuống 44 giờ/tuần, sau đó, tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với người lao động. “Như vậy chúng ta vẫn đi sau thế giới 80 năm”, ông Nhân nói thêm.

Ngày làm việc 9-10 tiếng thì không thể có gia đình hạnh phúc

Về vấn đề tăng giờ khung giờ làm thêm, ông Nhân cho rằng, nếu thực hiện mở rộng khung giờ làm thêm, về ngắn hạn, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động ngắn hạn có thêm thu nhập nhưng hậu quả trước mắt là sức khoẻ người lao động giảm sút.
Bên cạnh đó, ông Nhân cho rằng, tăng giờ làm thêm thì năng suất cũng không tăng vì thống kê cho thấy, người lao động làm trên 40 giờ mỗi tuần thì năng suất cũng không tăng.
Quan trọng hơn, ông Nhân cho rằng, cần phải làm rõ người Việt Nam muốn gì. “Vừa rồi có cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam. Cuốn sách cho thấy, về kinh tế, người Việt Nam mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì những giá trị lớn nhất, 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt”, ông Nhân cho hay.
Từ đó, ông Nhân cho rằng, nếu như quy định khung giờ làm thêm là 300 giờ thì thực tế mỗi ngày sẽ làm tăng thêm 1 giờ, tức là thay vì làm 8 giờ thì mỗi ngày phải làm 9 - 10 giờ.
“Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 - 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc. Không có điều đó đâu. Trên thế giới từ bỏ điều nay 133 năm nay rồi”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, việc làm thêm tuy nói là tự nguyện nhưng thực tế thì không phải như vậy. “Ví dụ, nếu một dây chuyền may mà có quá nửa công nhân nghỉ làm thêm thì số còn lại không thể may được cái áo, không làm được đôi giày”, ông Nhân phân tích và cho rằng, nói tự nguyện thì chỉ là một phần.
"Muốn tăng năng suất lao động thì cái gốc là phải đổi mới công nghệ, chứ tăng giờ làm thì sẽ giảm năng suất lao động. Điều đó ai cũng thấy", ông Nhân nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.